Ám ảnh không dễ vượt qua của thủy thủ tàu cứu nạn

Thứ năm, 23/06/2022 09:18

Với những thủy thủ tàu cứu nạn, say sóng, vất vả chẳng đáng gì so với khi phải đối mặt với những lần cứu nạn đẫm máu, tang thương…

Quen với những việc tưởng chừng không thể

4h sáng, tiếng chuông tin nhắn báo động cứu nạn vang lên, đập tan không gian tĩnh mịch khi màn đêm còn chưa kịp lui. Tạ Khắc Tuấn (SN 1993) vội vàng vùng dậy. Vớ vội chiếc áo đồng phục, anh nhanh chóng lao đến nơi ứng trực cứu nạn tại Nha Trang, cùng anh em thủy thủ lên đường cứu hộ một tàu cá đang chết máy giữa biển.

Khắc Tuấn (bên phải) cùng các đồng đội đi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn

Lúc đó, một cơn bão chuẩn bị ập tới. Biển động dữ dội khiến con tàu lắc lư, chao đảo. Mới vào nghề cứu nạn 4 ngày, Tuấn chưa kịp quen với những con sóng mạnh.

Anh say sóng, ói mửa, không còn sức lực. Xuất phát từ tờ mờ sáng nhưng phải đến 22h đêm, tàu của đội cứu nạn mới có thể tiếp cận được với chiếc tàu cá.

Chiếc tàu cá sau đó được đội cứu nạn kéo vào đảo Phú Quý lánh bão. Cả đoàn phải ở trên đảo 10 ngày, chờ bão tan.

Đó là ký ức lần đi cứu nạn không thể quên của Khắc Tuấn - thủy thủ tàu SAR 274, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II. Nhưng với anh hay cả những thủy thủ cứu nạn, say sóng chưa đáng gì so với những lần cứu nạn đẫm máu, tang thương. Nhìn thấy thi thể hay những người bị thương chảy nhiều máu, chúng tôi rất ám ảnh.

Hầu hết thuyền viên của các tàu cứu nạn đều trải qua ít nhất một lần hoảng loạn và sợ hãi.

Tuấn kể, có lần 10 ngày lênh đênh trên biển, tìm kiếm người mất tích khi một tàu hàng bị chìm tại vùng biển Quy Nhơn. Lần đó, tàu của anh vớt được 5 thi thể. Lúc vớt thi thể đầu tiên, anh bị hoảng loạn.

Cũng có trải nghiệm sợ hãi không kém là Hoàng Việt Thắng (SN 1993), thủy thủ cano CN02 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I. Trước đó, Thắng là thuyền viên trên tàu SAR411. Chuyến cứu nạn đầu tiên của anh cũng là lần đáng nhớ trong đời.

Tháng 7/2019, mới vào trung tâm cứu nạn không lâu, Thắng nhận nhiệm vụ lên đường tìm kiếm thuyền viên bị mất tích trong vụ va chạm tàu cá khiến trên biển gần đảo Bạch Long Vĩ.

Chuyến đi kéo dài hơn 20 ngày. Thắng choáng không chỉ vì say sóng, mà còn là lần đầu tiên đi cứu nạn đã tham gia một vụ tang thương. Đợt đó, Thắng cùng các đồng đội trên tàu SAR411 vớt được xác của 2 nạn nhân, rồi đưa về Cửa Lò.

“Hình ảnh và mùi thi thể khiến tôi bị ngợp, sợ hãi. Tôi không dám nhìn, cũng không dám động vào, chỉ hỗ trợ các anh em cầm túi để đưa thi thể vào”, anh kể.

Được sự động viên, hướng dẫn của các anh em khác, các thủy thủ dần bình tâm, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để đưa các nhạn nhân về với gia đình.

Không như Tuấn hay Thắng, Duy Tài (SN 1996) đang là thợ máy cano CN01 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II. Tài cũng từng là thợ máy của tàu SAR412. Làm việc dưới buồng máy, Tài từng có lần bị một cơn sóng lạ làm anh bị bật bay 3,5m từ mạn trái sang mạn phải tàu. May mắn không bị thương nhưng đó là trải nghiệm đáng nhớ với công việc “làm bạn” với dầu nhớt, máy móc.

Tuy là thợ máy nhưng tại hiện trường, anh cũng trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn cùng các đồng nghiệp. Những hình ảnh người đứt lìa chân, người bị dập nửa khuôn mặt… cũng một thời khiến Tài bị ám ảnh.

“Những chuyến cứu nạn ngoài xa, thuyền viên có thể lênh đênh vài tháng trên biển. Mỗi năm, trung tâm lại cử các đội tàu đi trực chốt ở những vị trí xung yếu trong mùa mưa bão, ứng trực 24/24h. Họ phải xa gia đình, vợ con thường xuyên. Làm nghề này, không ai biết tới khái niệm ngày nghỉ lễ, Tết… Được cái vất vả nhưng anh em đều yêu nghề”, Phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I Đào Văn Hiển nói.

“Đang đưa con đi khám cũng phải quay lại tàu”

Thợ máy Duy Tài làm nhiệm vụ bảo dưỡng máy móc,

để tàu, cano không gặp sự cố khi đang làm việc gấp

Đối với Duy Tài, công việc tìm kiếm cứu nạn không chỉ đòi hỏi khả năng đi biển, còn cần kinh nghiệm để xử lý các tình huống, biết cách lựa con sóng mỗi lần di chuyển những người bị nạn lên tàu.

Anh may mắn khi được ba mẹ động viên nối nghề của ba, cũng được các anh chị trong nghề chỉ bảo nhiều.

Thuyền viên trẻ thừa nhận lắm lúc cũng sợ nhưng khi vào công việc, phải dồn mọi tập trung để làm tốt nhất nên anh cũng quên đi những nỗi sợ. “Để rồi sau đó nghĩ lại, mới thấy mình cũng được”, Tài cười.

Thế nhưng, cũng không ít lần chàng trai này cảm thấy có lỗi khi phải “bỏ rơi” người yêu để đi làm nhiệm vụ. Anh thổ lộ, có hôm, hẹn bạn gái qua nhà lúc 19h.

Người yêu vừa vào đến cửa, anh nhận được tin nhắn cứu nạn và nhanh chóng lên đường, chỉ kịp nói với bạn gái một câu “Anh đi cứu nạn đây”.

Chuyện các thủy thủ này phải xa gia đình, phải rời những cuộc vui để đi làm nhiệm vụ vốn là chuyện cơm bữa.

Là người đã có gia đình, Khắc Tuấn hiểu hơn ai hết những thiệt thòi của bà xã. Từ lúc yêu, chàng trai này từng bỏ người yêu ở rạp phim khi nhận được tin báo cứu nạn. Đến lúc kết hôn và có con, đang chở vợ con đi khám bệnh, anh cũng phải bỏ vợ con giữa đường để đi làm nhiệm vụ.

Hỏi đã bao giờ bị vợ giận dỗi hay chưa, chàng thủy thủ thật thà: “Thời gian đầu có khó chịu nhưng dần cô ấy cũng thông cảm. Mình đi làm việc chứ có đi chơi đâu”.

Cũng vì tính chất đặc thù của công việc, mọi việc chăm sóc con cái trong gia đình, Tuấn phó mặc cho vợ. Anh cũng thấy áy náy bởi lúc vợ sinh con thứ 2, anh không có mặt ở bên để đón thành viên mới của gia đình. Cũng có lúc, anh đi trực chốt ở Quy Nhơn biền biệt 2 - 3 tháng không được về nhà. Mỗi ngày, Tuấn chỉ biết gọi điện 3 lần hỏi thăm, nói chuyện với vợ và các con.

Thế nhưng, may mắn với những chàng thủy thủ cứu nạn bởi, họ đều có những người phụ nữ, người con gái yêu thương mình thật lòng, chia sẻ với công việc của chồng, của người yêu. Đó cũng là hình mẫu mà Việt Thắng mong muốn tìm thấy.

Ở tuổi 29, Thắng vẫn mải miết công việc cứu nạn mà chưa tìm thấy “nửa kia”. Dù vậy, anh không buồn.

“Tàu là nhà, biển cả là quê hương”

Các thủy thủ, thuyền viên cứu nạn luôn được huấn luyện, diễn tập định kỳ để đảm bảo công việc hiệu quả

Đấy là câu nói của những thủy thủ, thuyền viên dành cả thanh xuân của mình lênh đênh trên những con tàu cứu nạn. Họ coi nhau như gia đình, yêu thương và chăm sóc nhau.

Cũng có lúc các chàng trai tự ngẫm về những thiệt thòi của mình và người thân, để chợt lay động. Thế nhưng, khi tin báo cứu nạn vang lên, họ sẵn sàng bỏ lại tất cả để đi làm nhiệm vụ.

Đôi khi, là vì trách nhiệm. Khi là tự nhủ công việc tích đức cho con cháu sau này. Có lúc, lại là do nụ cười, một con cá thu thay cho lời cảm ơn từ đáy lòng của những người dân được họ cứu giúp.

Ông Đào Văn Hiển - Phó giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực I dùng từ “ly kỳ” để mô tả công việc này. Ông Hiển kể, thuở còn tham gia tìm kiếm cứu nạn, ông từng bắt máy nghe điện từ một thuyền trưởng trên tàu sắp bị đắm. Cuối cùng, ông vẫn không kịp cứu người thuyền trưởng ấy.

Đó là ký ức đầy tiếc nuối của cựu thủy thủ này. Để rồi giờ làm quản lý, ông luôn hướng dẫn các thuyền viên không chỉ trau đồi chuyên môn mà cả sự nhanh nhẹn, kỷ luật để luôn có thể cứu hộ, cứu nạn hiệu quả nhất.

Một tiếng chuông tin nhắn báo động cứu nạn vang lên. Một chiếc tàu SAR lại vun vút ra khơi mịt mù sóng to gió lớn. Chiếc tàu dần xa bờ, nhỏ như chiếc lá khuất dần, khuất dần, trên đó chở đầy những tấm chân tình.

 

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:110785
Lượt truy cập: 176.831.701