Một gác chắn đường ngang tại điểm giao cắt giữa đường sắt
và đường bộ trên địa bàn thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên
Tuyến đường sắt đi qua địa bàn xã Lang Thíp, huyện Văn Yên dài 10 km còn 28 lối đi tự mở qua đường sắt. Những năm qua, UBND xã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ, chống lấn chiếm hành lang và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt (ATGTĐS) bằng nhiều hình thức.
Ngoài ra, địa phương phối hợp với ngành đường sắt thường xuyên tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các chủ sử dụng đất nằm trong hành lang ATGTĐS nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo đảm ATGTĐS.
Từ năm 2021 đến nay, xã vận động nhân dân hiến đất mở đường gom và đã xóa bỏ được 1 lối đi tự mở tại đầu cầu khu Km 230; mở được 1 đường gom tại Km 223+857 và không phát sinh thêm lối đi tự mở. Quản lý, theo dõi và kịp thời có biện pháp kiềm chế, ngăn chặn không phát sinh lối đi tự mở, xã đã phối hợp với cơ quan đường sắt thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất mở đường gom đi chung; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, cắm biển cảnh báo và vận động xóa bỏ các lối đi tự mở có dấu hiệu phát sinh. Đồng thời, địa phương phân công lực lượng công an xã, dân quân cơ động tổ chức canh gác, kiểm soát ở những vị trí có lượng người, phương tiện lớn lưu thông qua lại.
Ông Lê Minh Lập - Chủ tịch UBND xã Lang Thíp cho biết: "Bên cạnh những thuận lợi thì khó khăn do từ những năm 2003 trở về trước, đường sắt là đường giao thương chủ đạo, nhân dân ở rải rác theo ven đường sắt nên đã hình thành nhiều lối đi tự mở. Mặt khác, do địa hình chia cắt, phức tạp, dân cư thưa thớt nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở đường gom để giảm các lối đi tự mở hiện có.
Cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo đảm trật tự ATGTĐS, địa phương kiến nghị cần bố trí nguồn vốn để mở các đường gom, tiến tới xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt; bố trí kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng các công trình nằm trong phạm vi hành lang ATGTĐS và cắm thêm mốc chỉ giới hành lang ATGTĐS ở những điểm có nhà ở dân cư”.
Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, UBND huyện Văn Yên tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện đảm bảo hành lang ATGTĐS. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, phù hợp. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát trên 7.757 m2 đất các loại nằm trong hành lang ATGTĐS và đang nghiên cứu phân loại, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo thực hiện. Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện chủ động phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt, các địa phương rà soát, thống kê có 209 điểm vi phạm và đã xác định được chủ sử dụng, quy mô, kết cấu, năm sử dụng công trình.
Công an huyện bố trí lực lượng kết hợp với lực lượng Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong việc tuân thủ các quy định về ATGTĐS, đường bộ tại các lối đi tự mở. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và quản lý, theo dõi, trong thời gian qua trên địa bàn huyện không phát sinh lối đi tự mở qua đường sắt.
Toàn huyện có 97 lối đi tự mở qua đường sắt, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã xóa bỏ 4 vị trí; phối hợp với đơn vị quản lý đường sắt rà soát biển báo hiệu tại các vị trí lối đi tự mở, rào thu hẹp lối đi tự mở.
Cùng với các giải pháp đồng bộ, huyện Văn Yên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, có phương án đầu tư giải quyết các đường gom, các vị trí qua đường sắt đảm bảo hợp lý.
Thực tế có nhiều vị trí lối đi tự mở đã tồn tại lâu năm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, mặt khác địa hình miền núi phức tạp nên địa phương không thể tự giải quyết.
Ngoài ra, huyện đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ hoặc đền bù phù hợp để kết hợp tuyên truyền, vận động nhân dân đồng bộ phá dỡ, trả lại hành lang ATGTĐS vì các vị trí đất, vật kiến trúc vi phạm rất phức tạp, có cả các vị trí sử dụng không hợp pháp và hợp pháp.