Con sinh ra 5 - 6 tháng mới được gặp bố
10 năm kể từ khi bước chân lên tàu và đến giờ đã trở thành thuyền trưởng, Phạm Văn Đại (Công ty TNHH Vận tải biển và Xuất nhập khẩu HTK) vẫn e ngại những chuyến đi biển gặp sóng gió, bão bùng. Không ít lần đối mặt với những con sóng dữ, cao tới chục mét như muốn “nuốt chửng” con tàu cũng làm anh rờn rợn.
Người thuyền trưởng luôn phải vững tâm trước mọi khó khăn,
để làm điểm tựa cho các thành viên trên tàu.
Trong ảnh, thuyền trưởng Nguyễn Văn Vinh trong buồng điều khiển.
“Con tàu nhỏ như hạt cát giữa đại dương, nghiêng 39-40 độ, lên xuống theo những con sóng lớn, cảm giác như muốn lao xuống đáy biển. Cứ như thế, đi biển chục năm, tôi vẫn sợ cảm giác say sóng”, Đại nhớ lại.
Trong mắt vị thuyền trưởng sinh năm 1988, thuyền viên là nghề vất vả, không phải ai cũng chịu được. Tối ngày đối mặt với biển, cuộc sống của họ “bấp bênh” theo đúng nghĩa đen trên “căn nhà di động” lúc nào cũng chòng chành theo những cơn sóng. Đã thế, rủi ro lúc nào cũng có thể xảy ra và giữa đại dương mênh mông, mức độ “trở tay không kịp” càng cao nếu có rủi ro ập đến.
Có những chuyến đi biển dài cả tháng hay các chuyến đi nối tiếp hàng năm, họ phải chấp nhận sống tách biệt với gia đình cả năm trời. Khái niệm nghỉ lễ, Tết không bao giờ có trong “từ điển” của các thuyền viên.
Chính Đại cũng phải đánh đổi nhiều thứ khi lao theo nghề. Vợ sinh 2 người con, anh đều không có mặt ở bên. Vợ than thở tủi thân, anh chạnh lòng và chỉ biết động viên, an ủi bà xã qua điện thoại. “Khi con được khoảng 5-6 tháng, tôi mới được bế con trên tay. Tôi đi xa suốt ngày, mọi sự chăm sóc và dạy dỗ con cũng đều phó mặc cho vợ”, anh thổ lộ.
Thiệt thòi là thế nhưng anh chưa bao giờ có ý nghĩ muốn bỏ nghề. Với anh, đây chính là công việc nuôi sống bản thân và gia đình, để gia đình có thêm kinh tế, trả nợ... Hơn thế nữa, đó còn là một tình yêu lớn của anh, như một mối duyên.
Khác với Đại, Chu Văn Tâm (SN 1988, Hưng Yên) từng có ý nghĩ lên bờ để được gần vợ gần con hơn. 13 năm theo nghề, đã hơn 1 lần anh cố tình ở nhà tìm công việc khác. Nhưng, cái duyên với nghề đi biển dường như chưa dứt với chàng trai này.
Sau khoảng 6-9 tháng thử sức với công việc mới, anh lại quay lại vì nhớ nghề, nhớ biển. Tuy nhiên, Tâm thật thà rằng cũng “ngại bắt đầu lại từ đầu”.
Nghề đi biển như cái duyên với Chu Văn Tâm
Đang trong quá trình thực tập thuyền trưởng, Tâm thừa nhận vẫn sợ những lần đối mặt với sóng gió lớn khi đi biển. Chưa kể, còn nhiều điều mà hầu hết các thuyền viên đều e ngại như không gian sống bí bách, chỉ quanh quẩn ở con tàu dễ khiến nhiều người stress và ức chế. Dù có những nỗi sợ nhưng anh vẫn luôn phải vững tâm để động viên các anh em trên tàu.
Tâm kể, lắm lúc bản thân chạnh lòng khi phải xa gia đình, vợ con, đặc biệt trong những ngày đặc biệt. Đã có 5 cái Tết, anh xa nhà và cũng 5 lần sinh nhật con thì có tới 4 lần anh không thể ở bên.
Đi biển về mới biết người yêu đi lấy chồng
Đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề, đảm nhận chức danh máy trưởng cũng 14 năm, anh Nguyễn Văn Chính (Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông) đã trực tiếp trải nghiệm qua nhiều sự thay đổi về cuộc sống của thuyền viên.
Đi tàu từ những năm 2000, thời điểm công nghệ và thông tin chưa phát triển, cuộc sống của những người thuyền viên như anh trải qua biết bao khó khăn.
Thuyền viên luôn bị coi là những người lạc hậu, bởi quanh năm lênh đênh trên biển, không được tiếp xúc nhiều với sự phát triển và thay đổi trên bờ, cũng không nắm bắt được những thông tin nóng hổi trong đời sống. Cũng bởi thế, anh tiết lộ, không ít đồng nghiệp từng ngậm ngùi khi về nhà mới biết người yêu đã đi lấy chồng.
Anh Nguyễn Văn Chính đã có 14 năm làm Máy trưởng
“Nhiều cô gái ở nhà không biết bao giờ người yêu mới về, cũng không có liên lạc nên họ không chờ đợi được. Hay thuyền viên nếu viết thư gửi về nhà, cũng mất vài tháng. Đôi khi muốn gửi một tấm thiệp chúc mừng mùng 8/3 hay 20/10, về tới tay người nhận cũng đã muộn. Đó là thiệt thòi của các thuyền viên”, anh Chính tâm sự.
Tuy vậy, anh cũng mừng vì ngày nay, công nghệ đã được cập nhật. Nhiều tàu lắp thiết bị vệ tinh nên thuyền viên được liên lạc nhiều hơn với gia đình, được lên mạng đọc thông tin nên không thành người “tối cổ”.
Chưa kể, thiết bị máy móc, tính năng sửa sữa, vận hành, khai thác con tàu ngày nay cũng hiện đại, sử dụng nhiều công nghệ nên những người thợ máy như anh đỡ vất vả hơn.
Luôn vững tâm để làm điểm tựa
Được ví như “bác sĩ nội khoa” trên tàu, anh Chính là người phụ trách lo khâu vận hành, bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị điện và cơ khí của tàu. Cũng có lúc, anh “toát mồ hôi hột” vì gặp sự cố. Sự cố lớn nhất phải kể đến năm 2010, trên con tàu khởi hành từ TP.HCM đi Singapore. Vừa ra khỏi vùng biển Vũng Tàu, chiếc đầu vòi phun bị vỡ bay vào tuabin.
Các thuyền viên trong tổ máy đã vận dụng hết mọi khả năng để duy trì máy hoạt động trong suốt 1 tuần hành hải sang Singapore rồi trở lại TP.HCM (nơi sửa chữa) trong tình trạng căng thẳng, sợ hãi. Bởi “bất cứ sai sót nào cũng uy hiếp sự an toàn của tàu”, anh Chính khẳng định.
Trên tàu giống như một xã hội thu nhỏ mà những người "đầu tàu"
luôn phải vững chãi để làm điểm tựa và gắn kết các thành viên
Là máy trưởng, anh chỉ biết cố gắng động viên, trấn an anh em vượt qua khó khăn, hạn chế tối đa sự hoảng loạn của các thuyền viên.
Nói như Phạm Văn Đại, thì “làm nghề này, yếu tố may mắn chiếm khoảng 30-40%”. Sự cố luôn có thể xảy ra trên mọi hành trình và những người thuyền trưởng, máy trưởng phải luôn vững tâm mới có thể làm điểm tựa cho những thuyền viên khác trên tàu.
“Quản lý con người khó nhất vì mỗi người một tính. Mỗi con tàu như một xã hội thu nhỏ. Thuyền trưởng phải có uy, khéo léo, linh hoạt mới có thể giúp tàu "trời yên bể lặng”, anh Đại bộc bạch.
Mỗi con tàu như một xã hội thu nhỏ, có nhiều tính cách khác nhau. Thuyền trưởng phải có uy, khéo léo, linh hoạt mới có thể giúp tàu trời yên bể lặng
"Xác định học nghề này là xác định đây chỉ là công việc, không thể có nhiều ưu thế như những nghề khác. Khi đã trở thành nghề mình yêu thích, thường khó có thể bỏ. Những người đi biển thường là những người thích cảm giác phiêu và hơi mạnh với sóng gió, bão bùng. Thử thách qua những sóng, gió sẽ làm mỗi người trưởng thành hơn và nhiều kinh nghiệm, bài học hơn.
Tôi chỉ mong các anh em luôn có nhiều sức khỏe, có tâm lý tốt và cũng gửi lời tri ân các thuyền viên cùng gia đình họ. Hậu phương có vững chắc, anh em mới yên tâm đi làm và công việc trôi chảy", Thuyền trưởng Nguyễn Văn Vinh (CTCP Vận tải biển VOSCO) cho biết.