Lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát xe quá tải
trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng - Ảnh: Báo Giao thông
Thông tin tại hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ GTVT sáng 28/6, ông Nguyễn Trí Đức, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, những tháng đầu năm, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hoạt động vận tải trên toàn quốc đã từng bước phục hồi và được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu trong và ngoài nước.
TNGT giảm 800 vụ so với cùng kỳ
Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông (TNGT), 5 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 4.733 vụ, làm chết 2.761 người, bị thương 3.078 người.
So với cùng kỳ năm 2021, giảm 800 vụ TNGT (giảm 14,46%), giảm 30 người chết (giảm 1,07%), giảm 875 người bị thương (giảm 22,14%).
Muốn dẹp dứt điểm xe quá tải, phải làm tận gốc
Nêu ý kiến tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) nhận định tải trọng xe là câu chuyện của nhiều năm nay. Bởi, sau một thời gian vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng xe chở quá tải, cơi nới thành, thùng đã cơ bản được giải quyết, tuy nhiên, hiện nay còn nhiều diễn biến mới phức tạp...
"Thực tế hiện nay, xử lý một xe quá tải trung bình mất 3-4 tiếng liên hệ với chủ xe hoặc hạ tải. Muốn xử lý dứt điểm xe quá tải phải làm tận gốc", Thiếu tướng Lê Xuân Đức nói.
Hiện, Bộ Công an đang chỉ đạo lực lượng công an từ cấp xã, huyện khảo sát từng doanh nghiệp vận tải, vận động họ tự cắt thành thùng xe nếu có tình trạng cơi nới. Công tác này không chỉ có công an, CSGT mà cũng rất cần sự phối hợp của lực lượng thanh tra GTVT. Lực lượng đăng kiểm cũng có thể phối hợp, phát hiện xử lý những phương tiện vi phạm trong quá trình đi đăng kiểm.
Đặc biệt, Cục CSGT cho rằng chia sẻ dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) cũng là một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giữa hai Bộ.
Bộ Công an và Bộ GTVT cũng cần kết nối sâu rộng hơn nữa cơ sở dữ liệu dùng chung. Cơ sở dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ quản lý của lực lượng chức năng như: thông báo xử phạt vi phạm hành chính; xác định nguồn gốc xe, thủ tục hải quan,… trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký đối với phương tiện; quản lý vấn đề sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) của người điều khiển phương tiện (xác định rõ người nào bị tước GPLX để không cấp mới với trường hợp vi phạm)…
Xác định tình hình TNGT còn nhiều diễn biến phức tạp, theo ông Nguyễn Trí Đức, thời gian tới, các đơn vị liên quan thuộc Bộ GTVT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát trật tự trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải.
Trong đó, chú trọng công tác quản lý các bến xe, bãi đỗ xe, nhà ga, cảng, cảng bến thủy nội địa, cảng hàng không; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của đội ngũ lái xe, lái tàu, các đơn vị kinh doanh phục vụ hoạt động vận tải.
Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả rất nhiều giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; kịp thời xử lý các điểm đen mới phát sinh, điểm tiềm ẩn TNGT; tăng cường phòng hộ, chỉnh trang hệ thống báo hiệu đường bộ; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn tham gia giao thông an toàn trong các điều kiện thời tiết xấu.
Đặc biệt, lực lượng chuyên ngành của Bộ đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về tải trọng xe; tập trung xử lý, đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, xử lý chống ngập trên quốc lộ (41 điểm ngập) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.