Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn các tuyến giao thông mùa mưa bão

Thứ tư, 29/06/2022 09:39

Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy…, các cấp, ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung tuyên truyền, cảnh báo về các đoạn đường bị ngập, úng, có nguy cơ bị phá vỡ kết cấu hạ tầng giao thông (HTGT) trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, chủ động làm tốt công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó và xử lý có hiệu quả khi có sự cố xảy ra.

Lực lượng CSGT Công an TP.Vĩnh Yên điều tiết giao thông
tại ngã tư đường Kim Ngọc giao với đường Lý Thái Tổ, TP. Vĩnh Yên

Những ngày cuối tháng 5/2022, trên phạm vi toàn tỉnh xuất hiện mưa to đến rất to, với lượng mưa lớn, kéo dài đã gây ngập úng cục bộ, làm bong bật, hình thành thêm nhiều ổ gà, tăng nguy cơ phá hủy kết cấu, giảm tuổi thọ của hệ thống giao thông đường bộ.

Trong đó hơn 6.000m2 nền, mặt đường giao thông bị lún võng, rạn nứt tại nhiều vị trí, như ĐT302 (Km7+600; Km24+700); ĐT302B (Km7- Km8+100)… Hư hỏng 1 cống trên ĐT305 và sạt lở mái taluy hạ lưu đập tràn ĐT302B tại Km8+700 với chiều dài 7m.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Vĩnh Phúc ngay lập tức chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên tuyến; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường có nguy cơ bị phá vỡ kết cấu HTGT do ngập nước.

Riêng tuyến Quốc lộ 2B lên thị trấn Tam Đảo, do bị sạt lở taluy rải rác tại 55 vị trí, hư hỏng hệ thống hộ lan tôn sóng, Sở GTVT đã trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp tại Tờ trình số 1623 ngày 6/6/2022.

Là một trong những địa phương có địa hình tương đối phức tạp, thời gian qua, UBND huyện Sông Lô đã ban hành văn bản yêu cầu Công an huyện, các cơ quan đóng trên địa bàn; các phòng, ban, ngành trực thuộc và các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đặc biệt là các cung đường độ dốc cao.

Giao phòng chuyên môn kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND huyện bổ sung đặt biển cảnh báo tại các vị trí, đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Yêu cầu Công an huyện bố trí lực lượng ứng trực tại các tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn để hướng dẫn, điều tiết giao thông, cứu hộ, cứu nạn, phòng ngừa không để xảy ra tai nạn và xử lý kịp thời sự cố…

Nhằm đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão năm 2022, Ban ATGT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND các huyện, thành phố; các đơn vị quản lý, khai thác mặt hồ nước phục vụ kinh doanh du lịch; các đơn vị kinh doanh, khai thác bến thủy nội địa, bến phà, bến khách du lịch, bến khách ngang sông nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định về ATGT đường thủy.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sinh sống khu vực ven sông, kênh, hồ, đập, các khu vực bến khách ngang sông, bến khách du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường thủy.

Đề nghị Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền các địa phương, Đội Cảnh sát giao thông đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các phương tiện thủy nội địa là đò ngang, thuyền gia dụng tự đóng; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị an toàn…

Ban ATGT tỉnh đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, Công an các huyện, thành phố tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các xe ô tô có hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện… trên các đoạn đường đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng ngập, úng, có nguy cơ phá vỡ kết cấu HTGT.

Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng phương tiện, kích thước thùng hàng tại đầu nguồn như khu vực kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… bảo vệ tối đa kết cấu HTGT đường bộ.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của tỉnh, huyện, thành phố quan tâm, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, tràn, ngầm… bố trí nhân lực, vật lực ứng trực trên tuyến, chủ động cảnh báo kịp thời các điểm tiềm ẩn mất ATGT.

Thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng phối hợp điều tiết, phân luồng khi có nguy cơ hư hỏng kết cấu HTGT, ùn tắc, gián đoạn giao thông trên đường.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:182830
Lượt truy cập: 176.632.003