Bình Phước: Siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn

Thứ hai, 04/07/2022 15:10

Uống rượu, bia, sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Do vậy, việc xử lý lỗi vi phạm này là một trong những nhiệm vụ mà ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt ở hầu hết các tuyến đường trong tỉnh.

Từ 19-22 giờ hằng ngày là khoảng thời gian mà nhiều người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn. Việc bạn bè gặp nhau uống rượu, bia đã trở thành thói quen cố hữu đối với nhiều nam giới, thậm chí sau mỗi ngày làm việc, họ cũng có thể tìm cớ để nhậu cùng nhau. Đàn ông nhậu là đa số, nhưng phụ nữ cũng không ngoại lệ. Một số nữ giới cũng coi việc uống rượu, bia để xã giao, mở đầu cho mọi câu chuyện. Từ đó, việc uống rượu, bia vô tình trở thành điều kiện cần cho mọi cuộc gặp.

Đa số, ai cũng nhận thức được những rủi ro, mức độ nguy hiểm khi tham gia giao thông mà trong người có nồng độ cồn. Tuy nhiên, chỉ đến khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm, phạt tiền, tạm giữ giấy phép lái xe, phương tiện hoặc xảy ra tai nạn thì lúc đó mới nghiêm túc nhìn lại sự việc.

Tất cả người lái xe ôtô đi qua khu vực kiểm soát đều phải đo nồng độ cồn.
Trong ảnh: Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng
độ cồn tại khu vực bùng binh Hùng Vương, thành phố Đồng Xoài

Hơn 1 tháng qua, chị L.T.T (SN 1983) ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài như bị trói chân, không được tự mình lái xe ô tô đi giao dịch với các đối tác làm ăn ngoài tỉnh. Lý do là tối 25/5, chị đi họp mặt với các đối tác của công ty tại một quán nhậu trên đường ĐT741, phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài, sau đó bị Đội cảnh sát giao thông (CSGT) phụ trách tuyến ĐT741 phối hợp Đội CSGT Công an TP. Đồng Xoài xử lý vi phạm nồng độ cồn. Kết quả kiểm tra nồng độ là 0,599mg/lít khí thở, vượt ngưỡng cho phép. Do vậy, chị T bị tạm giữ xe 7 ngày, bị tước giấy phép lái xe 23 tháng và phạt 35 triệu đồng. 

Chị T chia sẻ: “Trong buổi gặp, tôi có uống với đối tác làm ăn khoảng 4 lon bia. Bản thân cũng biết uống bia rồi sau đó lái xe về là sẽ nguy hiểm, là vi phạm nhưng cuộc gặp khá vui, hơn nữa tôi có chút chủ quan là nhà ở gần. Giờ đi đâu, tôi cũng phải nhờ người chở hoặc đi bằng xe máy, taxi. Những giao dịch ở ngoài tỉnh buộc phải có mặt thì rất bất tiện, lỡ nhiều cơ hội”. 

Việc uống rượu bia, nhất là trong tình huống quá say, điều khiển phương tiện trong điều kiện đường xa, trời tối, mưa gió thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông càng cao hơn. Thực tế cho thấy, giữa nhận thức và hành động là một khoảng cách rất xa, nhiều người biết nhưng vẫn vi phạm. Cụ thể là trường hợp anh P.V.T (SN 1976) ở xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng. Khi bị CSGT yêu cầu dừng xe, xử lý vi phạm tại vòng xoay Hùng Vương, trên đường ĐT741, phải mất một khoảng thời gian khá lâu anh mới tỉnh rượu. Quá trình anh T đứng làm việc với lực lượng chức năng cũng không vững. Trong trường hợp này, nếu anh T tiếp tục di chuyển thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất cao. Sau khi kiểm tra có kết quả nồng độ cồn vượt mức cho phép, anh T đã bị tước giấy phép lái xe 23 tháng, bị tạm giữ xe mô tô 7 ngày và phạt 7 triệu đồng. Trước khi lên xe taxi để về xã Nghĩa Trung, anh T cũng kịp nói lời xin lỗi lực lượng chức năng và hứa sẽ không vi phạm. 

ĐT741 là tuyến đường huyết mạch của tỉnh, có rất nhiều ô tô, mô tô qua lại. Thực hiện chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, các đội, trạm nghiệp vụ của Phòng CSGT Công an tỉnh đã tăng cường thực hiện các chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đa số người vi phạm chấp hành hiệu lệnh của CSGT. Tuy nhiên cũng có những trường hợp bất hợp tác. Do vậy, quá trình thực hiện nhiệm vụ, không chỉ một tổ, đội mà còn có nhiều cơ quan, đơn vị phối hợp.

Trung úy Lê Nghĩa, Đội CSGT Công an TP. Đồng Xoài cho biết: Từ đầu năm đến nay, quá trình phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, chúng tôi gặp 2 tình huống nguy hiểm mà người vi phạm không hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Đáng chú ý là trường hợp có 4 người trên xe ô tô đi nhậu về. Khi lực lượng chức năng đề nghị kiểm tra nồng độ cồn của người lái xe thì họ né tránh, không hợp tác. Sau đó, cả 4 người xuống xe. Ban đầu họ xin, lôi kéo cán bộ, chiến sĩ, không cho lập biên bản và có những biểu hiện manh động. Nhận thấy tình hình có diễn biến phức tạp, chúng tôi đã gọi điện thoại đề nghị Công an phường tới trợ giúp. Ngoài lập biên bản xử lý vi phạm nồng độ cồn, lực lượng chức năng còn khống chế đưa các đối tượng về trụ sở làm việc.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp là cán bộ làm việc tại các cơ quan của tỉnh, sau khi nhậu xong ra về được đề nghị dừng xe để kiểm tra, xử lý thì nhiều người đã gọi điện thoại cho người thân. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, chúng tôi đã xử lý đúng quy định pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ.

Thượng tá Lê Đức Trình, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Từ ngày 19/6/2022, các đội, trạm nghiệp vụ của Phòng CSGT Công an tỉnh cũng như các đội CSGT công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã ra quân thực hiện đợt cao điểm xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Từ ngày 20/6 đến hết 20/9/2022, tập trung vào 4 nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Trong đó, hành vi vi phạm nồng độ cồn được đặc biệt quan tâm. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này rất cao. 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức trên 6.500 ca tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường. Qua đó đã dừng, kiểm tra trên 23 ngàn lượt phương tiện các loại. Quá trình kiểm tra đã phát hiện và xử lý trên 2.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Thiếu tá Trần Văn Mức, Phó đội trưởng Đội CSGT phụ trách tuyến ĐT741, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả chuyên đề này, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, ngành chức năng còn sử dụng các phương tiện kỹ thuật, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Địa bàn TP. Đồng Xoài ngày càng có nhiều quán nhậu, số người nhậu cũng tăng cao, đồng nghĩa với số người có khả năng vi phạm nhiều. Chúng tôi thường xuyên tập trung lực lượng tại các vị trí trọng yếu, vừa kiểm soát đo nồng độ cồn bằng phương pháp quốc tế vừa kết hợp với phương pháp truyền thống. Ngoài lực lượng đứng làm nhiệm vụ tại chốt cố định, còn có các lực lượng điều khiển môtô nghiệp vụ tuần tra, kiểm soát quanh khu vực các quán nhậu, để kịp thời phát hiện những trường hợp điều khiển phương tiện có dấu hiệu say xỉn, qua đó tiến hành kiểm tra, xử lý.

Theo Thiếu tá Trần Văn Mức, Phó đội trưởng Đội CSGT phụ trách tuyến ĐT741, Phòng CSGT Công an tỉnhNghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở thì đối với xe môtô, xe gắn máy bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người điều khiển xe ôtô, bị phạt từ 30-40 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.

 

Nguồn: Báo Bình Phước

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:69476
Lượt truy cập: 176.605.492