Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc với đại diện các địa phương,
chủ đầu tư và nhà thầu thi công Dự án tại xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên)
Dự án có tổng mức đầu tư 3.781 tỷ đồng; thời gian thực hiện Dự án từ năm 2021 đến 2025. Dự án có quy mô đầu tư 42,55 km theo tiêu chuẩn đường đô thị và đường cấp II với tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng là 187,97 ha đi qua các địa phương là TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ…
Để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Nguyên (viết tắt là Ban Quản lý) đã chỉ đạo các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tổ chức triển khai thi công theo 19 mũi và đảm bảo bám sát tình hình thực tế để triển khai thực hiện. Đồng thời, tích cực phối hợp với UBND TP. Phổ Yên và UBND huyện Đại Từ triển khai tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đến nay, Ban Quản lý đã nhận bàn giao mặt bằng 59,23/187,97 ha (trong đó địa bàn TP. Phổ Yên là 42,4/146,86 ha; địa bàn huyện Đại Từ là 16,83/41,11ha). Về triển khai thi công, đến thời điểm này các đoạn tuyến trên địa phận cả 2 địa phương đều đang huy động đầy đủ nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công đáp ứng kế hoạch đề ra; một số vướng mắc liên quan đến mặt bằng đã và đang được các bên liên quan phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân và nhận được sự đồng thuận cao.
Trực tiếp kiểm tra tại các đoạn tuyến và một số mũi thi công của Dự án tại 2 địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng ghi nhận sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư, các nhà thầu, đặc biệt là chính quyền địa phương ở cơ sở đã tích cực vào cuộc đảm bảo tiến độ Dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây không chỉ là Dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên mà còn là Dự án giao thông trọng điểm của cả vùng trung du miền núi phía Bắc, có ý nghĩa đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng nói chung và Thái Nguyên nói riêng.
Đồng chí yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ, đôn đốc, thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo tiến độ Dự án. Chính quyền địa phương cần tích cực thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nhằm sớm giải quyết các điểm nghẽn về mặt bằng. Các nhà thầu cần cập nhật thông tin hàng ngày đến Ban bồi thường giải phóng mặt bằng của tỉnh, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh và chính quyền địa phương để cùng phối hợp, tìm giải pháp giải quyết hiệu quả nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các đơn vị, địa phương liên quan cần có những dự báo và kịp thời ngăn chặn việc xây dựng đón đền bù, chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai. Đồng thời động viên và mong muốn các đơn vị, địa phương liên quan đã làm tốt cần làm tốt hơn nữa, đã tích cực cần tích cực hơn nữa, tăng cường thêm trách nhiệm, nghiêm túc, hăng say trong tổ chức thực hiện, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của từng đơn vị, địa phương mình để Dự án triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch.