Nâng cấp 3 ga khách, 4 ga hàng
Ban QLDA đường sắt mới đây trình Bộ GTVT thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án Cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.
Đây là công trình giao thông đường sắt, nhóm B do Bộ GTVT là người quyết định đầu tư dự án, Ban QLDA Đường sắt là chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 475 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Dự án Cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc dự kiến cải tạo,
nâng cấp 3 ga hành khách, 4 ga hàng hóa với tổng vốn hơn 475 tỷ
Theo đó, dự án thực hiện cải tạo nâng cấp 3 ga hành khách gồm: Ga Gia Lâm (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Cẩm Giàng và ga Hải Dương (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng); 4 ga hàng hóa gồm: Ga Vật Cách, cảng Vật Cách (tuyến Gia Lâm - Hải Phòng), ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên - Lào Cai).
Cụ thể, đối với ga Gia Lâm, thực hiện cải tạo nhà ga, ke ga, xây mới mái che ke ga và sửa chữa đường sắt; Ga Hải Dương: Cải tạo ke ga, xây mới mái che ke ga và sửa chữa đường sắt; Ga Cẩm Giàng: Cải tạo nhà ga và các công trình phụ trợ đồng bộ (sân ga, tường rào), cải tạo ke ga, xây mới mái che ke ga và sửa chữa đường sắt.
Đối với ga Vật Cách, thực hiện xây mới nhà ga bao gồm đầy đủ các phòng chức năng và các công trình phụ trợ đồng bộ (hệ thống ke cơ bản trước nhà ga, ke trung gian, sân ga, hệ thống điện, nước, cảnh quan, tường rào, phòng cháy, chữa cháy, nhà để xe cán bộ nhân viên, hệ thống thoát nước... đồng bộ).
Xây mới trạm chỉnh bị đầu máy và các công trình phụ trợ đồng bộ (nhà chỉnh bị, hầm chỉnh bị, nhà điều khiển cầu quay, hàng rào, trạm đầu máy toa xe, hàng rào, cổng, nhà trực ban toa xe, bãi sửa chữa toa xe, hệ thống thoát nước... đồng bộ).
Đồng thời cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu hiện có; Xây mới nhà ga cảng và các công trình phụ trợ đồng bộ (sân, đường nội bộ, hàng rào, nhà để xe, hệ thống thoát nước, PCCC, điện chiếu sáng); Cải tạo đường sắt.
Đối với ga Đồng Đăng, cải tạo, xây mới bãi hàng, nhà kho, đường sắt xếp dỡ, đường bộ vào bãi hàng, nhà điều hành vận tải, nhà hải quan và các công trình phụ trợ đồng bộ (tường rào, cổng, thoát nước...).
Ga Lạng Sơn: Xây mới nhà kho. Ga Xuân Giao: Xây mới nhà ga bao gồm đầy đủ các phòng chức năng và các công trình phụ trợ đồng bộ (nhà làm việc, nhà để xe, nhà gác ghi, sân ga, bãi hàng, bồn hoa, tường rào... đồng bộ); Xây mới bãi hàng, nhà kho, xây mới đường sắt xếp dỡ, đường bộ vào ga và sửa chữa đường sắt.
Điều chỉnh vốn đáp ứng yêu cầu vận tải đường sắt tại cảng
Ban QLDA Đường sắt cho hay, thời gian thực hiện dự án dự kiến từ 2022-2025. Theo đó, công tác phê duyệt dự án và triển khai công tác thiết kế bản vẽ thi công dự kiến từ Quý III/2022 - Quý IV/2022; Lựa chọn nhà thầu xây lắp và khởi công xây dựng dự kiến từ năm 2023 2025.
Về khả năng huy động vốn theo tiến độ, Ban QLDA Đường sắt cho biết, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đề xuất tiến độ dự kiến sẽ khởi công dự án trong năm 2013 và thi công hoàn thành dự án trong năm 2025. Do vậy dự kiến huy động vốn theo tiến độ: Năm 2022 là khoảng 8,4 tỷ đồng, năm 2023 là khoảng 143 tỷ đồng, năm 2024 là khoảng 190 tỷ đồng và năm 2025 khoảng 134,3 tỷ đồng.
“Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban QLDA đường sắt sẽ lập và quản lý chặt chẽ tiến độ thi công; Căn cứ khối lượng, tiến độ để rà soát tính toán và đề xuất Bộ GTVT nhu cầu vốn từng năm cho phù hợp, hiệu quả.”, báo cáo của Ban QLDA đường sắt nêu rõ.
Được biết, tháng 3/2022, Ban QLDA đường sắt cũng đã trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 342,442 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại lần trình này, tổng mức đầu tư dự kiến cao hơn, là 475,707 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, đại diện Ban QLDA đường sắt cho biết, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư này là tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan đối với quy mô đầu tư lần trình trước, cùng đó bổ sung khối lượng đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu vận tải đường sắt tại cảng Vật Cách.
Theo đó, TP. Hải Phòng sẽ thực hiện chủ trương di dời cảng Hoàng Diệu, trong khi đây là cảng chính khai thác vận chuyển hàng rời bằng đường sắt, nhất là hàng nhập cảng biển đi bằng đường sắt quá cảnh Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn. Khi di dời cảng Hoàng Diệu, cần chuyển khối lượng này về khai thác vận tải tại cảng Vật Cách.
Vì vậy, ngoài quy mô, khối lượng đầu tư tại ga Vật Cách như đề xuất ban đầu, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình lần này bổ sung các hạng mục hệ thống đường sắt và công trình phụ trợ đồng bộ cần đầu tư tại cảng Vật Cách để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa đường sắt.