Xác định rõ lợi thế này, những năm qua, tỉnh đã tập trung quy hoạch, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông phục vụ cho phát triển và sẵn sàng đấu nối với toàn vùng, khu vực để phát triển mạnh mẽ hơn.
Tàu REN JIAN 25 chuẩn bị cập cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải, Thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ảnh tư liệu: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN
Hoàn thiện giao thông nội tỉnh
Nhiều năm qua, kinh tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển dựa theo 4 trụ cột là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Với 4 trụ cột được định rõ, tỉnh đã tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối để làm nền tảng cho phát huy hết tiềm năng của từng vùng. Điển hình như đường liên cảng dài hơn 17,2km và đường kết nối từ đường liên cảng ra Quốc lộ 51 đã tạo điều kiện lớn cho thu hút và hình thành cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải đặc biệt của Quốc gia ngày nay.
Ở lĩnh vực du lịch, tỉnh đầu tư tuyến đường ven biển Vũng Tàu-Bình Châu đã khơi dậy tối đa thế mạnh du lịch biển dọc trên tuyến đường này. Nhiều nhà đầu tư với những dự án lớn đã đổ về đây tạo dựng khu vực này thành những đô thị biển rất hiện đại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh cũng đã quy hoạch, định hình những vùng nông nghiệp chuyên sâu tại huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và đầu tư hệ thống giao thông kết nối hấp dẫn nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Quang Nhật cho biết, trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh dành gần 18.680 tỉ đồng (chiếm hơn 32,8% tổng vốn ngân sách đầu tư công toàn tỉnh) để đầu tư hoàn chỉnh 273 dự án về giao thông trên địa bàn.
Còn theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trần Thượng Chí, đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành bộ khung kết cấu chung về giao thông với tổng chiều dài hơn 4.624km. Các tuyến tỉnh lộ kết hợp với tuyến quốc lộ tạo thành mạng lưới đường trục ngang, dọc đan xen giúp phát triển các khu công nghiệp, du lịch, đô thị, nông thôn. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được đánh giá là tỉnh trong top đầu cả nước về phát triển giao thông nội tỉnh.
Nhờ đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm, các "mạch máu" tỏa đi nuôi dưỡng và khơi dậy hết tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng vùng đất, kinh tế-xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có bước phát triển vượt bậc với nền tảng vững chắc. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 621 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 305.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2005-2020, có 461 dự án vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào tỉnh với hơn 33 tỉ USD, trung bình mỗi năm thu hút khoảng 29 dự án với số vốn đăng ký hơn 2 tỉ USD.
Đến năm 2020, quy mô kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt gần 310.000 tỉ đồng, gấp 3 lần so với 2005. Năm 2021, quy mô GRDP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (trừ dầu khí) đứng thứ 3 cả nước và GRDP bình quân đầu người (trừ dầu khí) cao gấp 2 lần bình quân chung cả nước.
Lợi thế là tài sản chung
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tỉnh đã đưa vào khai thác 50 cảng với tổng chiều dài cầu cảng hơn 17 km, công suất 180 triệu tấn/năm. Riêng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải có 24 dự án cảng đi vào hoạt động với tổng chiều dài cầu bến gần 11km với tổng công suất thiết kế 129 triệu tấn/năm, trong đó, có 8 cảng container công suất 8,3 triệu TEU/năm. Cái Mép-Thị Vải là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có thể tiếp nhận được tàu container lớn nhất thế giới tải trọng lên tới hơn 200.000 DWT và là 1 trong 20 cảng trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu siêu trọng và hiện nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tổng kinh phí đã triển khai các dự án cảng biển trên địa bàn tỉnh đến nay là hơn 61.000 tỉ đồng, trong đó, riêng cụm cảng Cái Mép-Thị Vải chiếm đa số với gần 52.000 tỉ đồng.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020 đạt hơn 279 triệu tấn, tăng bình quân 7,1%/năm; doanh thu dịch vụ vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải giai đoạn này đạt kết quả ấn tượng với tổng giá trị gần 70.000 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng trên đang gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh khi quốc lộ 51 luôn trong tình trạng quá tải trong những năm gần đây.
Những năm qua, nỗ lực của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phát huy mạnh mẽ lợi thế cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải. Tuy nhiên, các thế hệ lãnh đạo ở tỉnh luôn xác định, lợi thế cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải (nằm trên địa bàn thị xã Phú Mỹ) không phải là của riêng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà là của cả khu vực, của quốc gia. Vì vậy, xuyên suốt trong quá trình quy hoạch, đầu tư phát triển, tỉnh luôn định hướng, xác định quy mô cho cả vùng.
Điển hình như tỉnh đầu tư đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải cũng đồng thời tính tới làm cầu Phước An (bắc qua sông Thị Vải) sang huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) để kết nối với 2 tuyến đường cao tốc Bến Lức-Long Thành giúp kết nối toàn bộ cụm cảng Cái Mép-Thị Vải với khu vục miền Đông Nam bộ, miền Tây Nam bộ.
Hay như gần đây, trong quy hoạch phát triển đô thị cảng biển Phú Mỹ, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã đặt vấn đề đơn vị tư vấn khi quy hoạch phải tính đến yếu tố toàn vùng, khu vực để tính toán quy mô tương xứng.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, tỉnh đã đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đông Nam bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 với 3 đột phá chiến lược, trong đó, đề nghị đầu tư cụm cảng Cái Mép-Thị Vải trở thành Khu thương mại tự do với 3 chức năng: Cảng nước sâu trung chuyển quốc tế-Logistics-Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao của cả vùng Đông Nam bộ.
Hiện nay, tỉnh đang xây dựng trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế tại Cái Mép hạ nhằm tạo kết nối đồng bộ, liên hoàn giữa hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải với cảng hàng không quốc tế Long Thành và các trung tâm công nghiệp lớn tại Tp.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường trọng điểm khác như: đường 991B (từ Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép), đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải, đường Phước Hòa-Cái Mép, đường Long Sơn-Cái Mép, đường và cầu từ Gò Găng sang Long Sơn để đảm bảo kết nối tối đa cho cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng hệ thống cảng bến thủy nội địa với 57 cảng, bến, vùng neo đậu tàu thuyền phục vụ cho nhu cầu vận chuyển
Dự kiến đến 2025, sân bay Long Thành hoàn thành giai đoạn 1, đi vào hoạt động, đồng thời, tuyến đường sắt Biên Hòa-Cái Mép đang được khẩn trương các bước triển khai xây dựng, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 5 phương thức vận tải: đường biển, đường thủy, đường bộ, đường không và đường sắt, trở thành địa phương có hệ thống vận tải đa phương thức là lợi thế ít tỉnh nào trong cả nước có được.
Những chuẩn bị sẵn sàng của tỉnh về hệ thống giao thông kết nối, chờ đợi đấu nối vào những dự án giao thông quốc gia như: đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường cao tốc Bến Lức-Long Thành và Tp.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đường sắt Biên Hòa-Cái Mép, sân bay Long Thành, đường vành đai 3, vành đai 4…, Bà Rịa-Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ cho cả vùng kết nối thông thương với thế giới và sẽ cùng toàn vùng phát triển mạnh mẽ trong thời gian không xa.