Sản lượng than giảm, nhu cầu các hàng khác qua cảng tăng
Công ty TNHH Cảng Tổng hợp Cái Mép vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT chấp thuận khu Bến cảng tổng hợp Cái Mép tiếp nhận hàng hóa tổng hợp, để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và có thể tận dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật chất hiện có để đáp ứng nhu cầu dịch vụ tại khu vực Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Doanh nghiệp đề nghị Bộ GTVT chấp thuận khu Bến cảng tổng hợp Cái Mép
được thực hiện tiếp nhận hàng hóa tổng hợp.(Ảnh minh họa)
Bến cảng tổng hợp Cái Mép nằm bên bờ trái sông Cái Mép (thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu). Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn năm 2020, định hướng đến năm 2030, bến cảng này được quy hoạch là cảng tổng hợp.
Theo văn bản số 2704 ngày 16/3/2017 về việc “Đầu tư xây dựng Bến cảng tổng hợp Cái Mép, Bà Rịa - Vũng Tàu”, Bộ GTVT thống nhất về chủ trương đầu tư bến cảng này với chức năng chuyên dùng tiếp nhận than trong giai đoạn đến năm 2025, nghiên cứu thực hiện chức năng tổng hợp sau 2025”.
Bến cảng có 2 cầu cảng. Cầu cảng chính số 1 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 80.000 DWT. Cầu cảng số 2 có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 2000 - 5000 DWT, hoặc sà lan có trọng tải đến 10.000 DWT. Cầu cảng số 2 cũng có chức năng chuyên dùng tiếp nhận, bốc xếp hàng than đá.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Cảng tổng hợp Cái Mép Dương Thanh Sang, từ khi bến cảng được đưa vào sử dụng đến nay, đơn vị này đã cùng các đơn vị liên quan tổ chức khai thác cầu cảng số 2 đảm bảo an toàn.
Năm 2021, sản lượng thực hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 1 triệu tấn.
5 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng than qua cảng chỉ đạt hơn 389,8 nghìn tấn. Hàng than thông qua cảng giảm mạnh từ quý 4/2021 đến nay, được cho là do biến động giá tăng cao, nguồn cung than giảm trên thị trường quốc tế.
Công ty mẹ đã phải chuyển đổi nguyên liệu từ than nhập khẩu qua các nguyên liệu khác nội địa như trấu viên, viên nén gỗ…để cung cấp và phục vụ sản xuất cho các đối tác.
Ông Sang cho biết thêm, Cảng đã liên hệ với các đơn vị kinh doanh nhập khẩu than khác trao đổi, để đưa hàng than đá về qua cảng. Tuy nhiên, tình hình chung do than biến động cao về giá, cũng như nguồn cung nên sản lượng toàn thị trường sụt giảm mạnh.
Trong khi đó, một số đơn vị kinh doanh các loại hàng khác như nông sản, phân bón… lại muốn đưa hàng về bến này do các cảng tại khu vực Cái Mép, Phú Mỹ đã khai thác gần hết công suất thiết kế hoặc vượt quá công suất thiết kế. Chủ hàng, chủ tàu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cảng để đưa tàu vào làm hàng.
Điều đó gây phát sinh chi phí do phải neo đậu tại khu neo, bến phao chờ cầu, đặc biệt khi các bến cảng tại khu vực đang thiếu hụt trầm trọng các cầu cảng cho sà lan, tàu biển trọng tải nhỏ vào xếp, dỡ hàng hóa vận chuyển nội địa.
Đề xuất rút ngắn giai đoạn thực hiện chức năng tổng hợp
Các mặt hàng xin bổ sung được cho là phù hợp
với tình hình cơ sở vật chất, trang thiết bị tại cảng
Ông Sang cho rằng, với các mặt hàng xin bổ sung, cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện có tại cảng tương đối phù hợp. Ngoài ra, bến cảng còn có 3 bãi cảng với tổng diện tích 80.000 m2. Hai bãi kiên cố có diện tích 30.000 m2 đã hoàn thiện, và 50.000 m2 bãi đang san lấp, đổ nền để làm bãi tiếp nhận các loại hàng như sắt thép, thiết bị, hàng xá… có kết hợp sử dụng xe xúc lật, xe cẩu cùng công nhân để xếp dỡ, chèn lót, bảo quản.
Đồng thời, cảng cũng sở hữu 2 kho kín có diện tích 36.000 m2, có hệ thống băng tải khép kín đưa hàng từ cầu cảng từ ngoài cầu tàu vào thẳng kho.
“Trường hợp được chấp thuận thực hiện lưu trữ các mặt hàng tổng hợp khác, cảng sẽ phân cách 2 kho riêng. Một phần giữ chức năng lưu trữ than đá, phần còn lại để tiếp nhận các loại hàng như nông sản, phân bón… và các mặt hàng khác có yêu cầu cao về bảo quản hàng hóa”, ông Sang chia sẻ và cho biết thêm, hệ thống kho bãi đã được trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy, đảm bảo hệ thống mương thoát nước và xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, cũng như các thủ tục liên quan về bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải…
Bởi thế, lãnh đạo Công ty TNHH Cảng tổng hợp Cái Mép đề xuất được thực hiện chức năng tổng hợp của Bến cảng tổng hợp Cái Mép từ sau quý II/2022 thay vì giai đoạn sau năm 2025. Các mặt hàng tổng hợp mà công ty này xin bổ sung gồm tôm cuộn, thép tấm, sắt khoanh, thép hình, thép ống, quạt gió, tháp gió.
“Trường hợp được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, trong quá trình khai thác Bến cảng tổng hợp Cái Mép, công ty cam kết chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn trong suốt quá trình tiếp nhận tàu vào, rời và làm hàng tại cảng”, Giám đốc Sang khẳng định.
Cục Hàng hải VN nói gì?
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN nhận định, việc xem xét cho Bến cảng tổng hợp Cái Mép khai thác hàng tổng hợp giai đoạn hiện nay là cần thiết.
Điều này nhằm hỗ trợ thông qua hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ các hoạt động khai thác cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển đã được đầu tư.
Ngoài ra, trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bến cảng này cũng được quy hoạch là bến cảng tổng hợp. Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng quy hoạch đến năm 2025, 2030 với quy mô gồm 1 cầu cảng có tổng chiều dài 300m, cỡ tàu cập 80.000 DWT, dự kiến công suất 5,2 triệu tấn/năm, có bến tàu nhỏ/sà lan phía trong bờ.
Nội dung đề xuất khai thác hàng tổng hợp phù hợp với nội dung quy hoạch nêu trên. Do đó, Cục Hàng hải VN đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận cho Bến khai thác loại hàng hóa tổng hợp.
"Nếu được chấp thuận, Chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục liên quan về môi trường, phòng chống cháy nổ, các quy định về giá, phí và thực hiện nghĩa vụ về thuế cũng như các nghĩa vụ khác theo quy định", Cục Hàng hải VN nhấn mạnh.