Thực hiện năm ATGT 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông” ngay từ đầu năm Ban ATGT huyện Gia Bình bám sát tình hình thực tế của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT nhằm hướng tới mục tiêu kéo giảm TNGT, tạo chuyển biến mạnh mẽ về thái độ, hành vi của người tham gia giao thông.
Ngoài việc huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể của địa phương, cũng như nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương, Gia Bình chú trọng tới công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho người dân, bởi nguyên nhân hàng đầu gây TNGT vẫn là do ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế. Muốn kìm hãm, kéo giảm TNGT thì công tác tuyên truyền về trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, công nhân phải được coi là việc làm thường xuyên, liên tục.
Theo đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT được huyện triển khai sâu rộng, đa dạng, hiệu quả dưới nhiều hình thức, như tuyên truyền trên hệ thống Đài phát thanh của huyện và Đài truyền thanh của các xã, thị trấn; phối hợp với địa phương, đơn vị tổ chức các hội nghị tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức cho học sinh tại các trường học; cấp phát tời rơi, treo băng rôn tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ tại các khu vực đông dân cư, như trường học, cổng chợ, khu công nghiệp... Các cấp hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền về trật tự ATGT cho hội viên trong các buổi họp, sinh hoạt; tổ chức ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT, không phơi rơm, thóc ra đường; nâng cao ý thức bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông…
Lực lượng chức năng huyện Gia Bình phối hợp với chính quyền địa phương
xử lý vi phạm hành lang ATGT trên Quốc lộ 17
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng chức năng của huyện cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát cả trong và ngoài giờ hành chính, tập trung tại các địa bàn, tuyến đường trọng điểm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: Chạy xe quá tốc độ, lạng lách, đánh võng, chở quá tải, vi phạm nồng độ cồn… Từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT huyện đã phát hiện, xử lý 571 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 635 triệu đồng.
Để lập lại kỷ cương trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, UBND huyện chỉ đạo các ngành, địa phương cùng vào cuộc với các biện pháp như tuyên truyền, thuyết phục, tăng cường tuần tra, kiểm soát về giải tỏa hành lang ATGT, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với việc bảo đảm ATGT trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt phương châm “Phòng là chính, khuyến khích tự giác khắc phục của người vi phạm, đồng thời kiên quyết xử lý đúng pháp luật các trường hợp vi phạm nhưng không chấp hành”; tổ chức ký cam kết đến 100% hộ kinh doanh, buôn bán không vi phạm hành lang ATGT trên các Quốc lộ, tỉnh lộ…
Đối với giao thông đường thủy, 100% các xã ven sông đã ký cam kết bến khách ngang sông an toàn; phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra các điều kiện hoạt động bảo đảm ATGT đường thủy nội địa, hoạt động vận tải hành khách...trên tuyến đường thủy nội địa. Ban ATGT huyện Gia Bình tiến hành rà soát các bất cập về tổ chức giao thông, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu đề xuất lên Ban ATGT tỉnh để tìm giải pháp khắc phục. Với hàng loạt các giải pháp được triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tình hình trật tự ATGT tại huyện Gia Bình tiếp tục được giữ vững. Toàn huyện xảy ra 1 vụ TNGT, làm chết 1 người. So với cùng kỳ của năm 2021, giảm 1 vụ, giảm 1 người bị thương.
Thời gian tới, Ban ATGT huyện Gia Bình tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT sâu rộng tới người dân; thực hiện hiệu quả công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT một cách quyết liệt, triệt để, công bằng, công khai, minh bạch.
Lực lượng chức năng của huyện sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự ATGT; rà soát những bất cập, thiếu sót trong công tác tổ chức và hạ tầng giao thông; nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT, của các doanh nghiệp và chủ phương tiện. Tăng cường công tác kiểm tra bến bãi, phương tiện thuỷ, các điều kiện bảo đảm an toàn hoạt động của các phương tiện thuỷ nội địa, nhất là trong mùa mưa bão; xử lý nghiêm các phương tiện chở khách ngang sông không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, người điều khiển phương tiện thuỷ không có bằng, chứng chỉ chuyên môn hoặc có bằng, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp …