Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả thiệt hại trên các tuyến đường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nhu cầu đi lại cho Nhân dân.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trận mưa lớn diễn ra vào đêm 9/5 rạng sáng 10/5/2022 khiến cho các tuyến quốc lộ (6 đoạn tuyến) xảy ra 335 vị trí sạt lở với khối lượng khoảng 22,4 nghìn mét khối đất; 23 vị trí kè rọ thép, 1 vị trí kè bê tông bị hư hỏng; 12 vị trí với 402 m rãnh bị phá huỷ. Đối với các tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới, khối lượng sạt taluy dương có 947 vị trí với khối lượng hơn 80,7 nghìn mét khối; 50 vị trí kè rọ đá và 114 m rãnh thoát nước bị phá huỷ do mưa lũ.
Công ty TNHH MTV Huyền Mạnh thực hiện hót đất sạt lở
trên tuyến đường tỉnh 239 (Pác Ve-Điềm He) huyện Văn Quan
Để khắc phục hậu quả đối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và quyết định về việc ban hành Lệnh xây dựng công trình, dự án khẩn cấp do mưa lũ gây ra. Theo đó, công trình khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1 do ảnh hưởng của cơn mưa có cường độ lớn từ đêm 9/5 đến ngày 10/5/2022 trên các tuyến đường tỉnh và đường tuần tra biên giới, tỉnh Lạng Sơn được triển khai với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng, thời gian hoàn thành ngày 30/8/2022. Ngoài ra, sở cũng thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông bước 1 đối với các vị trí hư hỏng, sạt lở trên các đoạn tuyến quốc lộ theo uỷ quyền của Tổng cục đường bộ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai khắc phục và bảo đảm giao thông đã phát sinh những khó khăn vướng mắc như: trình tự thủ tục để chỉ định thầu thực hiện các mục tiêu công việc bảo đảm giao thông mất nhiều thời gian; nhiều hộ dân yêu cầu phải hỗ trợ cây cối trên đất mới cho hót đất sạt lở; thiếu vật liệu tại chỗ để thực hiện bảo đảm giao thông; thời tiết tiếp tục mưa nhiều, đặc biệt là thiếu vị trí đổ đất thải dẫn đến việc khắc phục thiệt hại và bảo đảm giao thông tại các tuyến đường tiến độ chậm so với Lệnh xây dựng của UBND tỉnh đề ra.
Ông Vi Văn Dân, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông Lạng Sơn cho biết: Đơn vị đang thực hiện gói thầu số 3 khắc phục thiệt hại trên các tuyến đường tỉnh: 226; 227; 230; 231; 240; 232; 233; 239, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, đơn vị đã tập trung thiết bị để đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, do khối lượng cần hót bỏ tại các vị trí sạt lở là rất lớn, trong khi các huyện lại không có bãi đổ thải… khiến cho việc tổ chức triển khai của đơn vị gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Công ty kiến nghị UBND các huyện, các xã tạo điều kiện bố trí các vị trí đổ thải hợp lý để đơn vị thực hiện hót đất sạt tại các tuyến đường.
Đối với việc khắc phục hậu quả và bảo đảm giao thông trên các tuyến đường tỉnh: 236; 237; 241; 246; 248; 235 và đường tránh Quốc lộ 4A do Công ty TNHH Xây dựng thương mại Dương Khánh Phát thực hiện việc xử lý các vị trí sạt lở ta luy dương trên các tuyến cũng phát sinh các vướng mắc.
Ông Hoàng Minh Khánh, Giám đốc công ty cho biết: Ngoài các vướng mắc về vị trí đổ thải, đơn vị cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu để bù mặt đường các đoạn xuống cấp do mưa lũ, việc xử lý sạt lở, hư hỏng trên các tuyến đường cần phải giải quyết nhanh để bảo đảm giao thông nhưng lại thiếu vật liệu tại chỗ khiến cho tiến độ khắc phục bị chậm. Vì vậy, công ty đề xuất UBND tỉnh sớm có cơ chế về cho phép sử dụng sỏi suối tại chỗ để xử lý các vị trí mặt đường bị hư hỏng do mưa lũ, thiên tai gây ra.
Để tháo gỡ một số vướng mắc nêu trên, ngày 8/7/2022, Sở Giao thông vận tải đã ban hành Văn bản số 2072 gửi UBND các huyện, thành phố về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân địa phương tạo điều kiện đổ thải đối với các công trình khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo giao thông bước một. Theo đó, sở đề nghị các huyện, thành phố ngoài việc chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng quy hoạch chi tiết các vị trí bãi đổ thải hợp lý, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, tiếp tục vận động Nhân dân ủng hộ các đơn vị thực hiện khắc phục hậu quả để không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, do khối lượng sạt lở ta luy dương lớn và việc triển khai khắc phục các vị trí ta luy âm để bảo vệ kết cấu công trình là rất cấp bách, Sở Giao thông vận tải còn bổ sung nhà thầu phụ có năng lực để khẩn trương thực hiện các mục tiêu theo lệnh xây dựng của tỉnh nhằm đẩy nhanh tiến độ…
Ông Vũ Văn Nhiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Bên cạnh việc phối hợp với UBND các huyện, thành phố tháo gỡ các vướng mắc về vị trí đất đổ thải, sở cũng chỉ đạo các đơn vị tăng thêm các mũi thi công, bổ sung máy móc thiết bị xe máy khẩn trương hót đất sạt lở cũng như thi công các vị trí sạt lở ta luy âm, bổ sung biển báo tại các vị trí sạt lở để cảnh báo người dân đi lại bảo đảm an toàn. Mục tiêu phấn đấu đến ngày 30/8/2022 cơ bản xử lý xong các vị trí sạt lở cũng như khắc phục xong các công trình kè để bảo đảm an toàn công trình.
Được biết, tính đến ngày 11/7/2022, khối lượng thực hiện hót đất sạt ta luy dương trên các tuyến quốc lộ đạt hơn 11,5/22,4 nghìn mét khối; thi công kè rọ thép 3/23 vị trí. Đối với đường tỉnh, hót đất sạt được 12,9/80,7 nghìn mét khối và đang chuẩn bị thi công các vị trí kè.
Thời gian thực hiện khắc phục hậu quả trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh không còn nhiều trong khi khối lượng cần hoàn thành còn rất lớn. Do đó, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thi công cần tăng cường phối hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả trên các tuyến đường nhằm bảo đảm giao thông, góp phần phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân trong khu vực.