Vị trí khu bến cảng thuộc phạm vi quy hoạch được phê duyệt
Cục Hàng hải VN vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về đề xuất xây cảng biển chuyên dùng của CTCP Xuân Thiện Nam Định, cũng như đề nghị bổ sung bến cảng này vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1.
Đề xuất địa điểm xây dựng bến cảng tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian
từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy thuộc phạm vi quy hoạch đã được phê duyệt. Ảnh minh họa
Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Đình Việt cho hay, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Nam Định là cảng biển loại III được quy hoạch khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có phạm vi là vùng đất và vùng nước khu vực Ninh Cơ, từ Cửa Lạch Giang đến Cửa Đáy.
Đề xuất của UBND tỉnh Nam Định về vị trí khu bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện có địa điểm xây dựng thuộc phạm vi quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra, Quyết định số 1579 ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy có chức năng “phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định, có các bến cảng và công trình phục vụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa, phá dỡ tàu. Nghiên cứu xây dựng bến cảng phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ, các cơ sở công nghiệp, dịch vụ khi có yêu cầu”.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Nam Định của CTCP Xuân Thiện Nam Định đã được UBD tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất 7,5 triệu tấn thành phẩm/năm; Dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng của CTCP Xuân Thiện Nghĩa Hưng cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư với công suất 2 triệu tấn thành phẩm/năm.
Cục Hàng hải VN cho biết thêm, theo tài liệu do CTCP Xuân Thiện Nam Định cung cấp, các cơ sở công nghiệp khác thuộc Tập đoàn Xuân Thiện có nhu cầu thông qua hàng hóa tại bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định gồm: Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thiện Hòa Bình của Công ty TNHH Xuân Thiện Hòa Bình được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư tại huyện Lạc Thủy, công suất 10 triệu tấn xi măng/năm; Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền 3 Nhà máy xi măng Xuân Thành được UBND tình Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư tại huyện Thanh Liêm, công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm; UBND tỉnh Hà Nam cũng chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy xi măng Xuân Thành Giai đoạn II tại huyện Thanh Liêm, công suất 2,3 triệu tấn clinker/năm.
“Đề xuất của UBND tỉnh Nam Định về chức năng bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định để phục vụ các Dự án nhà máy thép, nhà máy xi măng nêu trên của Tập đoàn Xuân Thiện cơ bản phù hợp với chức năng được quy hoạch cho khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy”, lãnh đạo Cục Hàng hải VN thông tin.
Về đề xuất kết hợp chức năng khai thác, vận chuyển hàng hóa phục vụ các cơ sở công nghiệp khác và Khu kinh tế Ninh Cơ tại bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định, ông Việt cho rằng đề xuất này có thể được xem xét trong giai đoạn các bến cảng khác tại khu bến Hải Thịnh - Cửa Đáy chưa thể đáp ứng nhu cầu tại khu vực.
Doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế
với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển
Tuy nhiên, CTCP Xuân Thiện Nam Định có trách nhiệm báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư tại địa phương để được hướng dẫn các thủ tục liên quan đến chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa theo quy định.
Đồng thời, công ty phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, cũng như tự chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư khi các bến cảng khác tại khu vực được đầu tư xây dựng đủ để đáp ứng nhu cầu tại khu vực.
Khu vực không có lợi thế phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn
Theo đề xuất của UBND tỉnh Nam Định, bến cảng đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn với kết cấu cầu cảng thiết kế cho tàu trọng tải đến 300.000 DWT, luồng cho tàu 100.000 - 200.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải tận dụng mực nước để hành hải.
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho rằng, đề xuất này cơ bản phù hợp với nhu cầu nhập nguyên vật liệu và xuất sản phẩm phục vụ các cơ sở công nghiệp nêu trên.
Thế nhưng, ông Việt nhấn mạnh, việc đầu tư bến cảng phải đồng bộ với tiến trình đầu tư các dự án công nghiệp gắn với cảng.
Theo Cục Hàng hải VN, khu vực đề xuất xây cảng không
có lợi thế để phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn
Cùng đó, do khu vực không có lợi thế để phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn, việc đầu tư bến cảng đòi hỏi chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm đầu ra (thép, xi măng). Bởi thế, nhà đầu tư cần lưu ý, tiếp tục nghiên cứu làm rõ nhiều vấn đề.
Thứ nhất, phải phân tích chi tiết lượng hàng thông qua bến cảng (nguyên vật liệu, thành phẩm), đảm bảo đồng bộ với tiến độ khả thi trong việc đầu tư, khai thác các nhà máy thép, xi măng, cơ sở công nghiệp liên quan.
Trên cơ sở đó, tính toán cụ thể số lượng, quy mô bến phù hợp cho từng giai đoạn. Nhà đầu tư cũng phải lưu ý các giải pháp công nghệ xếp dỡ phù hợp để giảm thiểu quy mô, số lượng cầu cảng và phạm vi chiếm dụng quỹ đất, mặt nước).
Thứ hai, theo phương án sơ bộ về quy hoạch bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định, vị trí tàu thuyền tiếp cận bể cảng (giữa 2 tuyến đê) tiếp giáp với tuyến vận tải ven biển được Bộ GTVT công bố tại Quyết định số 2495 ngày 30/6/2014.
Do đó, nhà đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá, đề xuất về việc bảo đảm an toàn hàng hải khi thiết lập đoạn luồng hàng hải cho tàu thuyền giao cắt với tuyến vận tải ven biển để ra/vào bến cảng.
Cục Hàng hải VN cũng nhận định, khu vực đề xuất quy hoạch bến cảng tại vị trí biển hở, cao độ tự nhiên tại vị trí ra/vào bể cảng trong khoảng -12÷-14m (Hải đồ), trong khi độ sâu luồng cần thiết cho tàu 100.000 - 200.000 tấn hoặc lớn hơn giảm tải trong khoảng -16÷-23,5m (Hải đồ).
“Nhà đầu tư cần nghiên cứu, đánh giá tính hiệu quả, khả thi của việc đầu tư tổng thể các hạng mục công trình bến cảng; khả năng nạo vét, duy trì tuyến luồng, vùng nước bể cảng đáp ứng cỡ tàu theo nhu cầu hoạt động hiệu quả của các nhà máy, cơ sở công nghiệp.
Đồng thời, nghiên cứu, báo cáo đối với các tác động về môi trường, thủy hải văn của công trình bến cảng (bao gồm 2 tuyến đê) đối với cửa Lạch Giang và khả năng đầu tư xây dựng các công trình khác liên quan tại khu vực”, Quyền Cục trưởng Nguyễn Đình Việt đề nghị.
Nhà đầu tư cũng cần làm rõ phương án vận tải đối với nguyên vật liệu, sản phẩm giữa các cơ sở công nghiệp và bến cảng, đặc biệt là các cơ sở công nghiệp không liền kề bến cảng (tại Hà Nam, Hòa Bình).
Phải đánh giá hiện trạng, khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối nêu trên đối với việc vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm giữa các cơ sở công nghiệp và bến cảng, cũng như làm rõ trách nhiệm đầu tư hạ tầng giao thông vận tải (nếu có) làm cơ sở để xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Hiện nay, Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Cục Hàng hải VN phối hợp với Tư vấn thực hiện để đảm bảo tiến độ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2022.
Do đó, đơn vị này đề nghị Bộ GTVT có ý kiến để UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo các cơ quan chức năng và nhà đầu tư tiếp tục nghiên cứu làm rõ các nội dung, phối hợp với Cục để đề xuất cập nhật các nội dung cần thiết, khả thi trong Quy hoạch.
Trước đó, UBND tỉnh Nam Định có đề nghị Bộ GTVT xem xét cập nhật, bổ sung bến cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc thời kỳ 2021-2030 và Quy hoạch chi tiết các Nhóm cảng biển và Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Nam Định thời kỳ 2021-2030.
Theo đề xuất, giai đoạn 1 (đến năm 2030) sẽ quy hoạch 19 bến cảng. Kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 DWT (cỡ tàu đến 200.000 DWT, lớn hơn giảm tải và lợi dụng mực nước để hành hải).
Dự kiến đến năm 2030, bến cảng sẽ đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư giai đoạn mở đầu dự kiến khoảng 35.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự có của công ty và vốn huy động.
Địa điểm xây dựng cảng là tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy.