Huyện Trảng Bom (Đồng Nai): Cần nâng cấp, đầu tư nhiều tuyến đường

Thứ ba, 19/07/2022 15:23

Huyện Trảng Bom đang trong quá trình phấn đấu trở thành thị xã. Một trong những tiêu chí quan trọng là hạ tầng giao thông. Thực hiện tiêu chí này cần có thời gian, nguồn vốn và sự đồng thuận cao của người dân.

Thi công dự án đường Nguyễn Huệ tại TT.Trảng Bom (Huyện Trảng Bom).

Làm việc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng yêu cầu địa phương quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị, hạ tầng để sớm đưa Trảng Bom lên thị xã.

Hạ tầng quá tải, xuống cấp

Phó chủ tịch UBND Huyện Trảng Bom Đỗ Ngọc Nam cho biết, trên địa bàn hiện có khoảng 756km đường huyện và khoảng 80km đường do tỉnh, trung ương quản lý. Nhiều tuyến đường đang bị quá tải, xuống cấp trong khi các tuyến đường mới theo quy hoạch chậm triển khai, hoàn thành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư cũng như mục tiêu trở thành thị xã của huyện.

Cụ thể, các tuyến đường quá tải như: Trảng Bom - Cây Gáo, Sông Thao - Bàu Hàm, Quốc lộ 1 đoạn qua Huyện Trảng Bom… Một số dự án giao thông kết nối vùng chậm triển khai như: đường vành đai 4, đường vành đai TP. Biên Hòa, đường Trảng Bom - Xuân Lộc...

Huyện Trảng Bom có diện tích tự nhiên khoảng 327km2, khoảng 756km đường huyện. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Quốc lộ 1, đường tỉnh quản lý và đường sắt Bắc - Nam. Hiện nay, nhiều tuyến đường trong tình trạng quá tải cần nâng cấp, mở rộng; các tuyến đường theo quy hoạch cần được triển khai để giảm tải cho đường hiện hữu.

Phó trưởng phòng Quản lý đô thị Huyện Trảng Bom Nguyễn Hải Triều cho rằng, hạ tầng giao thông là một trong những nội dung lãnh đạo huyện quan tâm và chỉ đạo thường xuyên. Năm 2022, Huyện ủy ban hành kế hoạch về huy động nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và kết nối vùng. Kế hoạch đặt mục tiêu thúc đẩy các dự án trọng điểm, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội đạt tiêu chuẩn thị xã trong giai đoạn 2021-2025.

Theo ông Triều, khó khăn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông là nhiều dự án đầu tư trước đây không có mương thoát nước mưa dẫn đến đường xuống cấp nhanh. Một số dự án giao thông kết nối vùng của tỉnh trên địa bàn chưa triển khai. Các dự án trọng điểm huyện đang làm như: đường 29/4, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Huệ chậm tiến độ do vướng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Cùng một dự án nhưng phê duyệt giá bồi thường nhiều đợt dẫn đến có sự chênh lệch trong tính tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư. Bên cạnh đó, quy định về tiêu chuẩn và trình tự thủ tục giải quyết tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có sự thay đổi dẫn đến khiếu nại.

Ông Trần Đình Trung, Phó trưởng ban Quản lý dự án huyện chia sẻ thêm, nhiều dự án giao thông không bị vướng mặt bằng vẫn bị chậm tiến độ vì các lý do: nguồn vật liệu (đá thảm nền) khan hiếm; giá xăng dầu, vật tư tăng cao buộc nhà đầu tư thi công cầm chừng. “Thiếu vật liệu xây dựng là thách thức lớn đối với các dự án đang thi công. Nguyên nhân là hầu hết các dự án được duyệt đầu năm, khoảng tháng 4-5 khởi công, dẫn đến nhu cầu vật liệu tăng nhiều trong khi đá khai thác không đủ đáp ứng” - ông Trung chia sẻ.

 Quy hoạch, hạ tầng phải đi trước

Quy hoạch và hạ tầng là 2 tiêu chí quan trọng, cơ bản để phân loại đô thị. Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND Huyện Trảng Bom, cho hay huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại IV vào năm 2025 và thành lập thị xã sau đó. Để thực hiện tiêu chí hạ tầng giao thông, huyện xây dựng kế hoạch triển khai chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2021-2025 về đầu tư kết cấu hạ tầng. Huyện ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, dự án cấp thiết có tác dụng làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chứ không đầu tư dàn trải. Đối với các dự án ngoài ngân sách, huyện xây dựng và công khai kế hoạch để thu hút các thành phần liên doanh, liên kết đầu tư.

Cũng theo bà Châu, huyện đang lập đồ án Quy hoạch vùng H.Trảng Bom đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung TT.Trảng Bom và vùng phụ cận đến năm 2040. Huyện đã quy hoạch 6 tuyến mới: Tây Hòa - Cây Gáo, Bàu Hàm - Cây Gáo, Bắc Sơn - Tân An, An Viễn - Hưng Thịnh, đường liên xã Sông Trầu - Thanh Bình - Bắc Sơn và đường ven hồ Trị An. Huyện cũng quy hoạch sẵn 9 khu đất lợi thế với tổng diện tích hơn 830ha để đấu giá, tạo vốn làm hạ tầng.

Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm với Huyện Trảng Bom, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, huyện cần hoàn thiện sớm các quy hoạch vì đây là cơ sở để triển khai các công trình, dự án. Bên cạnh đó, huyện cũng chuẩn bị cho đề án thành lập đô thị loại III, cần thiết đề xuất cơ chế riêng. Các dự án hạ tầng đầu tư mới phải dựa theo tiêu chí đô thị loại III để sau này không bị “lỗi” tiêu chí.

Đối với các dự án giao thông huyện đề xuất, UBND huyện cân đối tiền sử dụng đất, đấu giá đất để thực hiện. Tỉnh thống nhất cho huyện bổ sung 2 dự án đường là Đinh Quang Ân và Lê Hồng Phong vào danh mục thu hồi đất năm 2022. Đối với 2 dự án đường Trảng Bom - Thanh Bình, Lê Hồng Phong và hệ thống thoát nước một số tuyến đường ở TT.Trảng Bom, huyện hoàn thiện các thủ tục, tỉnh sẽ bố trí vốn. Lãnh đạo tỉnh lưu ý quy hoạch, triển khai các dự án hạ tầng phải đảm bảo quyền lợi về tài sản, chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:34371
Lượt truy cập: 176.453.666