Cầu Sông Thu bắc qua sông Thu Bồn nối liền hai huyện Duy Xuyên - Đại Lộc
Mong ngóng từng ngày
Bà Văn Thị Diệu Thu - người dân thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên) chia sẻ, nhân dân địa phương khi mua sắm áo quần, lương thực, thực phẩm và đồ dùng khác mà muốn có nhiều sự lựa chọn thì qua chợ Phú Thuận của xã Đại Thắng lân cận, hoặc trung tâm xã Đại Minh (huyện Đại Lộc).
Nhưng ngặt một nỗi, để lưu thông bằng đường bộ, họ phải chạy xe vòng rất xa, nên chỉ còn cách lên con đò ngang tròng trành tuyến Duy Tân - Phú Thuận qua bên kia sông Thu Bồn.
Tương tự, cán bộ đi công tác, công nhân đến làm việc ở các nhà máy tại vùng B của Đại Lộc và ngược lại chủ yếu chọn đò ngang. Nhưng vào mùa mưa bão, nước dâng cao chảy xiết bắt buộc đò phải dừng hoạt động, người dân đành đi đường bộ mất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án có tổng chiều dài 6km, điểm đầu giao với Quốc lộ 14H tại Km43+700, thuộc địa phận xã Duy Phú (Duy Xuyên), điểm cuối giao với tuyến ĐH5.ĐL thuộc địa phận xã Đại Thắng (Đại Lộc), kết nối với tuyến đường từ ĐT609C đến Quốc lộ 14B đang thi công.
Hạng mục chính của dự án gồm phần đường dài 5,4km với nền rộng 9m và mặt đường bê tông nhựa rộng 8m; cầu Sông Thu vượt sông Thu Bồn dài 669m, có vị trí cách bến đò Duy Tân - Phú Thuận khoảng 600m về phía thượng lưu, bề rộng cầu 9m, phần xe chạy 8m; hệ thống điện chiếu sáng lắp đặt toàn tuyến.
Công trình thi công trong 840 ngày, dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2024.
|
Bà Thu còn cho biết, trước đây đường ra bến đò Duy Tân có độ dốc cao, nhiều trường hợp đi xe đổ dốc bị chới với chúi luôn xuống sông, rồi có người chạy xe lên dốc do không kiểm soát được tay lái đã đâm sầm vào chợ, may mắn chưa xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Sống ở bên kia sông, ông Huỳnh Tám (trú thôn Thuận Hòa, xã Đại Thắng, Đại Lộc) nói, mong ước lâu nay của người dân là có cây cầu vượt sông Thu Bồn để lưu thông được thuận lợi, an toàn.
Giao thông kết nối thông suốt sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, lại thuận tiện cho cứu hộ, cứu nạn mùa mưa lũ.
Ông Huỳnh Tám chia sẻ, năm 2021 nhân dân nắm thông tin tỉnh ban hành chủ trương làm cầu Sông Thu, họ đã mong ngóng từng ngày. Nay chuẩn bị khởi công, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, đi đâu cũng nghe bàn tán xôn xao, bởi với họ ước nguyện bao đời nay đã thành hiện thực.
Còn bà Văn Thị Diệu Thu cho biết, tỉnh tiếp tục làm cầu Sông Thu sẽ mở ra bao cơ hội phát triển cho vùng Tây Duy Xuyên vẫn còn đang khó khăn.
Công trình mà hoàn thành, con cháu tới làm việc tại các nhà máy ven tuyến Quốc lộ 14B ở Đại Lộc sẽ rút ngắn nhiều thời gian. Người dân vùng B muốn thăm quan khu đền tháp Mỹ Sơn, lên Nông Sơn cũng sẽ nhanh chóng, an toàn.
Việc đầu tư hệ thống cầu đường bộ trên các tuyến sông Vu Gia và Thu Bồn là hết sức cần thiết và cấp bách. Sau khi đi khảo sát thực địa, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 và UBND tỉnh phê duyệt dự án đường nối Quốc lộ 14H đến tuyến ĐT609C với tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Ngày 24/7 tới, công trình khởi công xây dựng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất của nhân dân, từng bước xóa bỏ các bến đò ngang, giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư), tuyến đường này cùng với tuyến đường nối ĐT609C đến Quốc lộ 14B, bao gồm cầu An Bình vượt sông Vu Gia (khởi công xây dựng ngày 10/1/2022) sẽ góp phần hình thành trục đường chiến lược Bắc - Nam ở phía Tây.
Trục huyết mạch này sẽ là tiền đề mở rộng không gian phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ; tạo sinh kế nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân; trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương nói riêng và cả tỉnh Quảng Nam nói chung.
Chủ tịch UBND xã Duy Tân - ông Hồ Ngọc Tuấn cho biết, nhân dân và cán bộ địa phương rất phấn khởi. Công trình liên thông vùng Tây Duy Xuyên và vùng B Đại Lộc này còn giúp phát huy khả năng kết nối của các tuyến đường địa phương, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân.
Xã có điều kiện bố trí dân cư dọc tuyến đường theo quy hoạch, thu hút thương mại - dịch vụ. Hầu hết hộ dân bị ảnh hưởng đều ủng hộ chủ trương về giải phóng mặt bằng thi công công trình.
Xã sẽ nỗ lực phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật, không để người dân bị thiệt thòi. Những ngày qua, địa phương tích cực phối hợp giải phóng mặt bằng nơi động thổ, chuẩn bị để tổ chức lễ khởi công thành công.