Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022)

Thứ sáu, 22/07/2022 17:03

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 1740-CV/VPTW, ngày 07/9/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổ chức kỷ niệm một số ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2022 và Công văn số 3603-CV/VPTW, ngày 28/4/2022 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc tổ chức một số ngày kỷ niệm trong năm 2022, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền sâu rộng, làm cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sỹ và sự hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, đồng bào, chiến sỹ trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; từ đó xác định trách nhiệm và có hành động thiết thực trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

2. Thông qua hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; cổ vũ, động viên, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công vượt lên thương tật, khó khăn, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập,… góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những "Công dân kiểu mẫu", là tấm gương cho cộng đồng và xã hội noi theo.

3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm bằng các hình thức phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền làm rõ lịch sử, ý nghĩa chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của Ngày Thương binh - Liệt sỹ; khắc sâu đạo lý truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện sự trân trọng, biết ơn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với các thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

2. Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng"; kết quả và hạn chế, bất cập trong các chủ trương, chính sách cần phải bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn.

3. Những thành tựu nổi bật trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trong 75 năm qua, nhất là kết quả 16 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 14/12/2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sỹ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; 5 năm thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng"; trong đó cần nhấn mạnh những kết quả nổi bật trong việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách pháp luật, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; công tác xác nhận, công nhận người có công; công tác chăm sóc đời sống gia đình các thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng,...; đấu tranh, phê phán những biểu hiện tiêu cực trong triển khai thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ và người có công; đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

4. Biểu dương những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng vượt khó vươn lên, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chung sức giúp đỡ các gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện cuộc sống. 

III.  CÁC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM

1. Tổ chức Lễ dâng hương, dâng hoa

- Tại Hà Nội: Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, thành phố Hà Nội; Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.

- Tại thành phố Hồ Chí Minh: Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh dâng hương và đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố.

- Tại Quảng Trị: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị dâng hương và đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

2. Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp bộ, ngành

- Đơn vị thực hiện: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan.

- Đọc Diễn văn kỷ niệm: Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Tổ chức Chương trình cầu truyền hình trực tiếp gặp mặt nhân chứng lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 5 điểm cầu (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Giang, Quảng Nam): Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.

4. Tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.

5. Tổ chức gặp mặt, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng; tổ chức hội nghị biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"; tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giáo dục truyền thống lịch sử và đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ: Căn cứ vào điều kiện cụ thể, các cấp, các ngành, các địa phương lựa chọn tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm phù hợp.

6. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: thông qua báo chí, trang thông tin điện tử, các phương tiện cổ động trực quan, hội thảo, tọa đàm; hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên và sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; chú trọng tuyên truyền cho đối tượng là thanh niên, học sinh, sinh viên và Nhân dân ở vùng sâu, vùng xa...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm

1.1. Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức Lễ kỷ niệm (cấp bộ, ngành) bảo đảm trang trọng, đúng tầm mức; trong đó cần chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản điều hành, các bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm và các hoạt động nghệ thuật chào mừng.

- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí để cung cấp thông tin, văn bản, tài liệu tuyên truyền những thành tựu của công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng 75 năm qua; chỉ đạo công tác tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ trong ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

1.2. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm; biên soạn, phát hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm.

- Chủ trì chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình cầu truyền hình trực tiếp gặp mặt nhân chứng lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 5 điểm cầu (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Giang, Quảng Nam).         

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; báo cáo Ban Bí thư theo quy định.

1.3. Thành ủy Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định chỉ đạo, hỗ trợ tối đa các điều kiện để Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện tốt chương trình cầu truyền hình trực tiếp, dự kiến phát sóng vào 20h00 ngày 27/7/2022 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam. (Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ có văn bản đề nghị hỗ trợ cụ thể sau).

1.4. Đài Truyền hình Việt Nam

- Xây dựng kế hoạch, khảo sát và tổ chức thực hiện chương trình cầu truyền hình trực tiếp gặp mặt nhân chứng lịch sử, tri ân các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng; dự kiến phát sóng vào 20h00 ngày 27/7/2022 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm trên sóng truyền hình.

1.5. Đài Tiếng nói Việt Nam: Tổ chức đưa tin về Lễ kỷ niệm, các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm của các ban, bộ, ngành, địa phương.

2. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương

2.1. Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho cán bộ, hội viên và đoàn viên; vận động các tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành tích cực tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, chăm lo, giúp đỡ các đối tượng chính sách và các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.

2.2. Bộ Thông tin và Truyền thông: Quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là việc đăng tải thông tin trên các báo, đài, tạp chí, trên Internet và mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử.

2.3. Bộ Ngoại giao: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cho phóng viên báo chí nước ngoài; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hình thức tuyên truyền, kỷ niệm phù hợp, trong đó chú trọng thông tin tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị nhân văn của ngày 27/7 và những thành tựu 75 năm công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ,…

3. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương

- Các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Đảng và xã hội; chú trọng khai thác thông tin, tư liệu, tin bài thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng; biểu dương các cá nhân, tập thể có những cách làm hay, sáng tạo tham gia phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", những gia đình chính sách điển hình, tiêu biểu vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, khó khăn, ổn định đời sống để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

- Đài phát thanh - truyền hình các địa phương tổ chức tiếp, phát sóng về Lễ kỷ niệm, chương trình cầu truyền hình trực tiếp.

4. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

- Tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền bảo đảm thiết thực, phù hợp trên địa bàn.

- Chú trọng chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền trên báo chí, Internet, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, các phương tiện cổ động trực quan và các ấn phẩm tuyên truyền.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" trở thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội!

2. Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng!

3. Chung sức giúp đỡ người có công với cách mạng khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống!

4. Chăm lo thương binh, liệt sỹ, người có công là đạo lý, trách nhiệm và tình thương yêu đồng chí, đồng bào của mỗi người Việt Nam!

5. Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước!

6. Toàn thể đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ!

7. Sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước!

8. Đảng, Nhà nước và Nhân dân đời đời nhớ ơn các anh hùng - liệt sỹ, thương binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!

9. Tổ quốc đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ!

Ban Tuyên giáo Trung ương

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:193004
Lượt truy cập: 176.071.713