Tăng tốc thi công, sớm đưa cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào khai thác

Thứ năm, 04/08/2022 15:30

Ngày 2/8, Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh làm trưởng đoàn đã trực tiếp thị sát và làm việc tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả báo cáo đoàn công tác quá trình triển khai dự án

Cùng tham gia đoàn có Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và một số ban, ngành liên quan.

Đoàn công tác đã khảo sát hiện trường dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nghe đại diện nhà đầu tư, nhà thầu báo cáo về tình hình thực hiện dự án.

Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78,5km, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Đây là dự án ký hợp đồng BOT sau cùng trong 3 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) cao tốc Bắc - Nam nhưng là dự án đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công. Hiện nay, toàn dự án đã huy động 1.800 lao động và hơn 700 đầu máy móc thiết bị phục vụ công tác thi công.


Đoàn công tác thị sát quá trình thi công hầm Núi Vung

Qua khảo sát hiện trường và báo cáo của nhà đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của nhà đầu tư và các nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Mặc dù thời gian qua, vật liệu tăng giá bất thường nhưng nhà đầu tư và các nhà thầu đã có nhiều biện pháp khắc phục khó khăn để bảo đảm tiến độ thi công.

Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết, để hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khai thác sẽ còn nhiều khó khăn, rất cần sự hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc từ phía các cơ quan chức năng liên quan.

Nhà đầu tư kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội thống nhất cho phép các dự án PPP được điều chỉnh giá trong trường hợp chỉ số giá xây dựng trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư được duyệt, tương tự các dự án đầu tư công. Bổ sung nội dung trên vào hợp đồng dự án và kinh phí Nhà nước không bố trí thêm cho dự án mà Nhà đầu tư bỏ ra cho khoản trượt giá này và sẽ được điều chỉnh thời gian thu phí tương ứng.

Ngoài ra, vấn đề bất cập của Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo là trong hồ sơ thiết kế dự án chưa có hạng mục trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu,... Do đó, nhà đầu tư cũng kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải, giao cho nhà đầu tư Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thực hiện đầu tư trạm dừng nghỉ, tiếp nhiên liệu kết hợp điểm kiểm tra kỹ thuật,… nhằm bảo đảm hoàn thành đồng bộ dự án vào cuối năm 2023 để công tác quản lý vận hành khai thác được an toàn và thông suốt.

Tính đến hết tháng 7/2022, tổng giá trị thực hiện dự án đạt 1.563,61 tỷ đồng trên tổng số 7.587 tỷ đồng (tương đương 20,6 % khối lượng thực hiện), bảo đảm tiến độ so kế hoạch đề ra.

Cụ thể, phân đoạn Km92+260 - Km134+000 do Tập đoàn Đèo Cả thực hiện đạt tiến độ 23,13%, trong đó hạng mục hầm Núi Vung đạt tiến độ trung bình khoảng 35%; phân đoạn Km54 - Km92+260 do Công ty 194 thực hiện đạt 17% tiến độ.


Đoàn công tác tặng quà đơn vị thi công hầm Núi Vung

Trong quá trình thực hiện dự án vừa qua, nhà đầu tư gặp phải rất nhiều khó khăn do mỏ đất đắp thiếu hụt sản lượng và tăng giá nguyên vật liệu. Các mỏ vật liệu do tư vấn thiết kế khảo sát dự kiến, trên thực tế không có khả năng khai thác. Nhà đầu tư đã chủ động phối hợp cùng địa phương tìm kiếm các mỏ vật liệu khác thay thế, đến nay cơ bản bảo đảm nguồn cung cấp cho dự án.

Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và xung đột Nga - Ukraine nổ ra làm giá nhiên liệu và các loại vật liệu thiết yếu (xi măng, sắt thép, xăng dầu, và vật liệu nổ…) trên thế giới cũng như trong nước tăng giá đột biến, vượt qua dự phòng của dự án, khiến nhà đầu tư lâm vào cảnh hết sức khó khăn.

Nguồn: Báo Nhân dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:148677
Lượt truy cập: 176.426.821