Theo đó, Bộ GTVT nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh với nội dung:
“Vấn đề 1: Đề nghị Bộ trưởng trao đổi, cung cấp thông tin, làm rõ tiến độ, kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ, kế hoạch triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, các cam kết của Bộ đối với dự án này… để Đại biểu trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh.
Vấn đề 2: Đề nghị Bộ trưởng cho rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chỉnh phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét vùng nước hàng hải, vùng nước đường thủy nội địa đề báo cáo đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp vừa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, vừa đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, vừa thu hút được đầu tư của các tổ chức, cá nhân, phát triển kinh tế xã hội”.
Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng đường sắt nói riêng nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.
Về nội dung kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:
Về định hướng quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/QĐ- 2 TTg ngày 19/10/2021 (gọi tắt là Quy hoạch). Theo đó với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá trên các hành lang vận tải chính có nhu cầu lớn; phát huy thế mạnh của vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, cự ly từ trung bình đến dài, quy hoạch đã xác định tập trung khai thác tối đa năng lực mạng đường sắt hiện có, đồng thời xây dựng một số tuyến đường sắt mới đồng bộ, hiện đại, kết nối cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn.
Với quan điểm nêu trên, Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030 triển khai nâng cấp, cải tạo bảo đảm an toàn chạy tàu 07 tuyến đường sắt hiện có; triển khai 02 đoạn ưu tiên của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Hà Nội - Vinh, Nha Trang - Thành phố Hồ Chí Minh); ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.
Đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Hiện nay, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt kế hoạch, cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện quy hoạch; đồng thời, đang chuẩn bị đầu tư các dự án theo định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về kế hoạch triển khai tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong thời gian tới: Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được phê duyệt đầu tư từ năm 2004 với chiều dài 131 km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối tại cảng Cái Lân. Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng và được chia thành 04 tiểu dự án vận hành độc lập; đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác Tiểu dự án 1 đoạn Hạ Long - Cái Lân; 03 tiểu dự án còn lại: Yên Viên - Lim, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long đã triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục trên tuyến.
Năm 2011, Dự án bị đình hoãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nên đến nay Dự án vẫn chưa hoàn thành xây dựng theo quy mô được duyệt.
Theo quy hoạch phát triển đường sắt đến năm 2020 (Quyết định số 1468/QĐTTg ngày 24/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định đầu tư hoàn thành Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trước năm 2020. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên giai đoạn 2016 - 2020 chưa cân đối được vốn để đầu tư.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục xác định hình thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, đảm bảo tính kết nối giữa các phương thức và tối ưu hóa chi phí vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương dọc tuyến.
Do Dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu và thực tế đã có những thay đổi nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực Dự án đi qua, nên Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép sớm tiếp tục triển khai hoàn thành để đưa Dự án vào khai thác. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Ban QLDA đường sắt, Bộ GTVT sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền để triển khai đầu tư trong Kế hoạch giai đoạn 2026-2030.
Về rà soát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động nạo vét vùng nước hàng hải, vùng nước đường thủy nội địa: Triển khai thực hiện Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ, Bộ GTVT đã ban hành 03 Thông tư hướng dẫn, công bố 05 danh mục dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm; 10 danh mục danh mục dự án nạo vét vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc như Đại biểu Quốc hội đã phản ánh, vì vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Cục Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam phối hợp với các địa phương4 rà soát, đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ để tổng hợp, xây dựng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị định số 159/2018/NĐ-CP.
Hiện nay, Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị về Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 06 tháng cuối năm 2022 của Bộ, trong đó có nội dung xây dựng trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ (tiến độ dự kiến trình Chính phủ tháng 5/2023). Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, vừa đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, vừa thu hút được đầu tư của các tổ chức, cá nhân, phát triển kinh tế xã hội cũng như nâng cao hiệu quả, khả thi, thuận lợi trong thực hiện việc nạo vét vùng nước cảng biển, đường thủy nội địa, đặc biệt là các dự án kết hợp thu hồi sản phẩm.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, trân trọng gửi tới Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của Đại biểu Quốc hội đối với ngành Giao thông vận tải./.