Tuyến đường Hoàng Văn Thụ thuộc phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) có mật độ phương tiện, người tham gia giao thông lớn, được Hội Cựu chiến binh phường lựa chọn thực hiện mô hình “Tuyến đường cựu chiến binh tự quản”. Tuyến đường dài gần 1 km, Hội Cựu chiến binh phường đã giao cho 4 chi hội khu vực này tự quản từng đoạn.
Hội viên cựu chiến binh ở các chi hội luôn gương mẫu, nêu cao vai trò kiểm tra, phát hiện các phương tiện tập kết vật liệu, dừng, đỗ không đúng nơi quy định để nhắc nhở hoặc báo cáo chính quyền địa phương xử lý. Hội viên cựu chiến binh đã phát hiện nhiều phương tiện di chuyển gây vỡ nắp cống thoát nước trên tuyến đường, báo với chính quyền địa phương để yêu cầu chủ phương tiện khắc phục thiệt hại. Hội viên cựu chiến binh cũng tự giác thực hiện và vận động các hộ lắp đèn led trang trí, tạo cảnh quan cho tuyến đường, đồng thời cam kết không lấn chiếm hành lang, vỉa hè.
Đặc biệt, nhiều năm nay, qua vận động, các hộ đang sinh sống trên tuyến đường đều tuân thủ nghiêm các quy định về xử lý rác thải, nhất là rác thải xây dựng. Khi các hộ có công việc cần sử dụng một phần vỉa hè trong thời gian ngắn đều báo cáo, xin phép khu dân cư.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tuyến đường sắt đi qua nhiều khu dân cư hoặc gần trường học, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Hội Cựu chiến binh tỉnh đã chỉ đạo Hội Cựu Chiến binh huyện Bảo Thắng và Bảo Yên phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở khảo sát, vận động hội viên tham gia trực cảnh giới tại 16 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt. Trong đó, 13 điểm thuộc các xã Sơn Hải, Sơn Hà, Thái Niên, thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) và 3 điểm thuộc xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên). Xác định đây là nhiệm vụ, trách nhiệm với cộng đồng nên hội viên tích cực, nghiêm túc tham gia trực cảnh giới, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt từ 6 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Hội Cựu Chiến binh tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh thường xuyên chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn nghiệp vụ trực cảnh giới, bảo đảm trang - thiết bị như cờ, đèn tín hiệu, còi, quần áo và cung cấp kế hoạch giờ chạy tàu cho các hội viên ở các điểm trực cảnh giới.
Thực hiện Cuộc vận động “Cựu chiến binh tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông”, các cấp hội đã xây dựng và duy trì hiệu quả 28 mô hình, như “Cựu chiến binh trực cảnh giới giữ gìn an toàn giao thông tại điểm giao cắt đường sắt với đường ngang dân sinh”; “Cổng trường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông”; “Đoạn đường, tuyến phố cựu chiến binh tự quản”, “Phối hợp tuần tra trật tự, an toàn giao thông” và “Câu lạc bộ gia đình hội viên cựu chiến binh không vi phạm an toàn giao thông”…
Bên cạnh việc xây dựng các mô hình, các cấp hội cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên trong việc chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. Tùy thực tế, các cơ sở hội ở địa bàn vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và quy định về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; cảnh báo nguy hiểm và các quy định an toàn khi qua sông, suối trong mùa mưa, lũ…Đối với thành phố và trung tâm huyện lỵ, tổ chức hội tuyên truyền, vận động thực hiện chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”. Một số địa phương cũng phối hợp vận động hội viên cam kết không vi phạm hành lang an toàn giao thông, tự nguyện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn giao thông, phổ biến về các kỹ năng phòng, tránh tai nạn giao thông…
Góp phần xây dựng văn hóa giao thông và thực hiện ứng xử văn hóa giao thông, các cấp hội đã vận động gia đình hội viên cựu chiến binh tham gia kinh doanh, phân phối mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng; kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm quy định tải trọng hàng hóa, số lượng người và đúng tuyến đăng ký.
Phát huy vai trò gương mẫu, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, nhiều năm nay trên địa bàn tỉnh không có hội viên cựu chiến binh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông…