Tuyến đường 221A được đầu tư nâng cấp đi qua khu công nghiệp Tiền Hải
giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong vận chuyển hàng hóa.
Giao thông là khâu đột phá
Ông Trần Lâm Thao, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tiền Hải cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 tuyến quốc lộ đi qua, 5 tuyến đường tỉnh chiều dài 49,3km và 13 tuyến đường huyện với chiều dài 80,1km. Xây dựng hệ thống đường giao thông là một trong những mục tiêu quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Hàng năm, huyện đưa xây dựng giao thông trở thành chỉ tiêu quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, các tuyến đường cấp huyện, xã được đầu tư nâng cấp, cải tạo và sửa chữa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân như các tuyến đường cứu hộ cứu nạn 221C, đường ĐH.35, đường 8A, 8B, 8C, đường đê 5, đê 6, đường vành đai phía Tây thị trấn Tiền Hải, đường 221B, ĐH.30A, ĐH.34A... với chiều dài khoảng 100km. Hệ thống giao thông của huyện Tiền Hải đã bảo đảm tính đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông thông suốt.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Dự án cải tạo, nâng cấp đường 221A với chiều dài 17km có mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, đi qua 8 xã phía Nam của huyện Tiền Hải. Sau nhiều tháng thi công tuyến đường đã hoàn thành tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại các xã khu Nam của huyện Tiền Hải. Tuyến đường 221A đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu về giao thông vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của địa phương mà còn bảo đảm phục vụ công tác hộ đê, cứu hộ, cứu nạn, vật tư và trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt bão cho hệ thống đê biển.
Ông Đỗ Văn Tú, Ban Quản lý khu du lịch sinh thái cồn Vành cho biết: Từ khi tuyến đường 221A hoàn thành đưa vào sử dụng thì lượng du khách từ các tỉnh về tắm biển tại cồn Vành rất đông. Hàng tuần vào ngày thứ bảy và chủ nhật có hàng nghìn lượt du khách về với khu du lịch sinh thái cồn Vành.
Ông Phạm Tất Thắng, xã Nam Trung chia sẻ: Trước đây con đường 221A bị xuống cấp nặng nề, xe cộ lưu thông và vận chuyển hàng hóa của người dân tại các xã phía Nam rất khó khăn. Giờ đây, đường sá khang trang, việc đi lại của bà con dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương nên thu nhập và đời sống của bà con ngày càng được nâng lên.
Hạ tầng giao thông đồng bộ đã góp phần thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, ngoài khu công nghiệp Tiền Hải trên địa bàn huyện còn có 5 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Trà Lý, Cửa Lân, Tây An, An Ninh, Nam Hà với tổng diện tích 298,3ha thu hút khoảng trên 20.000 lao động. Trong đó, cụm công nghiệp An Ninh mới được thành lập với tổng diện tích 49,87ha. Cụm công nghiệp An Ninh có hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu xây dựng các dự án sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Đây là cụm công nghiệp đa ngành với tính chất ngành nghề chủ yếu là dệt may, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ... Không chỉ có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, cụm công nghiệp An Ninh có rất nhiều lợi thế trong thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động. Ở vị trí cửa ngõ phía Tây huyện Tiền Hải, sát quốc lộ 39B, cách thành phố Thái Bình 16km và cảng Hải Phòng 50km và tiếp giáp với Khu kinh tế Thái Bình, có khả năng kết nối dễ dàng với tuyến cao tốc đường bộ ven biển và các hạ tầng sẵn có. Hiện nay, cụm công nghiệp An Ninh đã thu hút một số nhà đầu tư thứ cấp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng xanh AD, Công ty Cổ phần Đầu tư An Ninh Thái Bình và Công ty TNHH Tập đoàn Đông Tín Hồ Nam với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng...
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, huyện Tiền Hải đang tập trung phối hợp với các ngành của tỉnh triển khai các công trình, dự án đầu tư hệ thống giao thông theo kế hoạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm đi qua địa bàn. Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, phân cấp nhiệm vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn cho các xã, lập kế hoạch cân đối, bố trí ngân sách cho công tác quản lý bảo trì giao thông nông thôn từ nguồn ngân sách địa phương. Nâng cấp hệ thống biển báo giao thông, quản lý tốt tải trọng phương tiện tại các tuyến đường; tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ và vận động người dân chấp hành Luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.