Một tuyến đường được bê tông hóa, giúp người dân xã Ea Lâm,
huyện Sông Hinh đi lại thuận tiện hơn
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết: Theo kế hoạch, Chương trình bê tông hóa đường GTNT các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư xây dựng hơn 399km đường GTNT, với tổng vốn khoảng 387 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 195,8 tỉ đồng. Sau khi hoàn thành, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 482,51km (tăng 83,35km), đạt 120,8% kế hoạch đề ra. Tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ đã giải ngân đến cuối chương trình hơn 178,4 tỉ đồng. Chương trình góp phần hoàn thiện mạng lưới đường GTNT các xã thuộc khu vực miền núi, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất của Nhân dân.
Trong suốt quá trình triển khai chương trình, UBND tỉnh Phú Yên thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp kiểm tra, đôn đốc; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn được bố trí, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh cho phép huyện Tây Hòa, Sông Hinh sử dụng nguồn vốn dư sau đấu thầu của gói thầu cung ứng và vận chuyển xi măng để tiếp tục thực hiện các tuyến đường nằm ngoài danh mục được phê duyệt ban đầu, nhưng đảm bảo đúng tiêu chí của chương trình.
Chương trình cũng đã thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong làm đường GTNT. Việc triển khai chương trình được đại đa số người dân các địa phương đồng tình, ủng hộ. Quá trình huy động và quản lý sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân đều thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo được niềm tin cho người dân chung sức thực hiện chương trình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác vận động Nhân dân hiến đất làm đường ở một số nơi còn gặp khó khăn. Một số tuyến đường có mật độ dân cư thấp, đòi hỏi chi phí đóng góp của người dân cao hơn những tuyến có mật độ dân cư đông. Điều này làm phát sinh tình huống người dân không đồng ý đóng góp để triển khai chương trình, dẫn đến có một số tuyến đường không thực hiện được theo kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc thi công gặp một số khó khăn. Chương trình phải gia hạn đến hết tháng 6/2022 mới hoàn thành.
Đánh giá tính hiệu quả của Chương trình đối với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Gia Hoàng nhấn mạnh: Việc triển khai hiệu quả Chương trình bê tông hóa đường GTNT các xã thuộc khu vực miền núi tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020 đạt và vượt kế hoạch, tạo điều kiện cho nhiều địa phương hoàn thành tiêu chí giao thông, thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới.
Cụ thể, qua 5 năm triển khai chương trình, 81/83 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông (đạt 97,6%) đối với xã nông thôn mới; 17/83 xã đạt tiêu chí số 1 về giao thông đối với xã nông thôn mới nâng cao (đạt 20,4%); đồng thời đưa các huyện Tây Hòa, Phú Hòa đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Nhu cầu cứng hóa đường GTNT tại các địa phương hiện nay còn rất lớn. Để huy động sức dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; thu hút nguồn lực xã hội hóa trong làm đường GTNT với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Sở GTVT đề nghị các địa phương có nhu cầu tiếp tục tổng hợp, đăng ký khối lượng cụ thể trong giai đoạn 2023-2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư cứng hóa và mở rộng nền mặt đường các tuyến đường hiện trạng đảm bảo đủ hai làn xe ô tô lưu thông và các tuyến đường có chiều dài lớn, có ý nghĩa quan trọng phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của Nhân dân.
Với mục tiêu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mạng lưới GTNT trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Sở GTVT đang tham mưu UBND tỉnh, HĐND tỉnh cho phép xây dựng nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình bê tông hóa đường GTNT giai đoạn 2023-2025 nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất của Nhân dân, giúp các địa phương đạt tiêu chí về giao thông đối với xã nông thôn mới nâng cao, hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.