Huyện Quế Sơn (Quảng Nam) phát triển mạnh hạ tầng giao thông

Thứ hai, 29/08/2022 14:37

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những năm qua huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu Sông Lĩnh nằm trên trục đường ĐH9 từ thị trấn Đông Phú lên xã Quế Phong
vừa được đầu tư xây dựng hoàn thành với tổng kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng

Ưu tiên nguồn lực đầu tư

Cuối tháng 8, người dân dọc trục đường ĐH9 từ thị trấn Đông Phú lên xã Quế Phong rất phấn khởi vì cầu Sông Lĩnh nằm trên tuyến giao thông huyết mạch này vừa hoàn thành.

Ông Cao Ngọc Luyến - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án - quỹ đất Quế Sơn cho biết, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam và ngân sách địa phương, tháng 2/2021 huyện khởi công xây dựng cầu Sông Lĩnh với tổng vốn đầu tư hơn 12,8 tỷ đồng. Cầu Sông Lĩnh dài 45m, rộng 10m, được thiết kế theo quy mô cầu bản bằng bê tông - cốt thép. Ngoài ra, còn có 2 đường dẫn với tổng chiều dài 522m.

Ông Nguyễn Thanh Thu - Phó Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Quế Sơn cho biết, ngày 29/12/2010 Huyện ủy Quế Sơn ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển giao thông tỉnh và huyện, Huyện ủy Quế Sơn yêu cầu UBND huyện tập trung chỉ đạo ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương phối hợp thực hiện công tác quản lý quy hoạch mạng lưới giao thông và hạ tầng giao thông. Xây dựng bài bản, cụ thể kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông hằng năm, trung hạn, dài hạn.

Nhờ chú trọng quy hoạch và đầu tư, hạ tầng giao thông của thị trấn Đông Phú
được xây dựng đồng bộ, khang trang

Theo ông Thu, giai đoạn 2010 - 2020, Quế Sơn đã xây dựng hơn 153km đường và nhiều công trình cầu, cống theo chương trình đầu tư công với tổng nguồn vốn hơn 1.204 tỷ đồng (ngân sách trung ương gần 368 tỷ đồng, tỉnh 530 tỷ đồng, huyện hơn 230 tỷ đồng, cấp xã và nhân dân đóng góp khoảng 76 tỷ đồng).

Trong đó, có những công trình quy mô lớn như tuyến đường Đông Phú - Suối Tiên, Đông Phú - Quế Minh, trục ĐH01.QS từ Quế Xuân 2 - Quế Hiệp - Quế Long, cầu Sông Cái, cầu An Phú, cầu Trà Đình, đường dẫn vào các Cụm công nghiệp Quế Cường và Đông Phú 1...

Huyện đang tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường ĐH03 với chiều dài 5,3km, kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng. Ngoài ra, cũng đã phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công dự án xây dựng trục đường ĐH21 với chiều dài 18km, dự kiến vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Quế Sơn cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống đường ĐH. Hằng năm, trên cơ sở kế hoạch phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình kiên cố hóa mặt đường ĐH của UBND tỉnh, huyện tiến hành rà soát, điều chỉnh danh mục đầu tư cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Hơn 10 năm qua, địa phương đã đầu tư xây dựng gần 43km mặt đường ĐH với tổng nguồn vốn hơn 106 tỷ đồng. Đến nay, trong tổng số 193km đường ĐH, Quế Sơn đã xây dựng được 168km, đạt tỷ lệ 87%.

Ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, địa phương đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng mô hình nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Quế Sơn đã đầu tư xây dựng hơn 218km mặt đường theo chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn với tổng kinh phí gần 142 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, huyện tiếp tục chi 20,5 tỷ đồng bê tông hóa thêm gần 23km. Như vậy, trong tổng số 687km đường giao thông nông thôn, tới thời điểm này huyện đã bê tông hóa được 515km...

Chú trọng liên kết vùng

Giai đoạn 2021 - 2025 Quế Sơn đưa kế hoạch đầu tư kiên cố hóa thêm hơn 12km mặt đường ĐH, gia cố gần 12km lề đường ĐH và xây dựng hơn 1,8km mương kín, 7km mương hở, 4 cống hộp, 6 cầu.

Với hệ thống giao thông nông thôn, toàn huyện sẽ bê tông hóa thêm 40km mặt đường các loại, trong đó ưu tiên cho các xã phấn đấu về đích nông thôn mới gồm Quế Hiệp, Quế Thuận, Quế Minh, Quế An, Quế Phong.

Quế Sơn cũng sẽ tập trung nguồn lực mở rộng 83km nền đường, 57km mặt đường giao thông nông thôn. Đồng thời, nâng cấp 17km mặt đường xã, 20km mặt đường thôn, sửa chữa và mở rộng 2 cầu, xây mới 11 cống và 5 cầu...

Theo ông Nguyễn Minh Châu, để tạo bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông ở địa phương, phải xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể từng năm nhằm đầu tư đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch.

Cân đối nguồn vốn đối ứng theo kế hoạch phân bổ vốn hằng năm của tỉnh, nguyên tắc là ưu tiên đầu tư tuyến ĐH, ĐX và trục thôn đã có mặt bằng sạch, đã có nền đường đảm bảo đủ rộng, ổn định; các tuyến bức xúc, khớp nối và gắn với sự đồng thuận của nhân dân.

Chú trọng các dự án trọng điểm có tính liên kết vùng, kịp thời bố trí nguồn lực đầu tư dứt điểm để sớm đưa công trình vào sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước từ khâu lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư đến khâu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu có đủ năng lực, trách nhiệm thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Minh Châu, ngành liên quan và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong phối hợp thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch về mạng lưới giao thông, hạ tầng giao thông.

“Tích cực vận động nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây trồng… để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; kịp thời phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư giao thông nông thôn. Thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư cộng đồng để công trình đầu tư đúng mục đích, phát huy hiệu quả...” - ông Châu nói.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:36936
Lượt truy cập: 176.214.029