Dấu ấn một chặng đường phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Bình Thuận

Thứ ba, 30/08/2022 12:11

Qua 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù ở những thời điểm, giai đoạn gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân, ngành giao thông vận tải đã tháo “điểm nghẽn” và “mở đường”, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận.

Đường Võ Nguyên Giáp ĐT706 B giúp du lịch Bình Thuận phát triển hơn

Hoàn thiện các tuyến quốc lộ phục vụ đối ngoại

Những năm trước đây, do điều kiện nguồn vốn đầu tư còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Do vậy, hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh còn nhiều hạn chế, rất ít công trình quy mô lớn, kết nối liên vùng, có sức lan tỏa được đầu tư xây dựng để tạo động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại vẫn còn là “điểm nghẽn”, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong những năm gần đây, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tập trung huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để đầu tư, giải quyết cơ bản những nhu cầu cấp bách, từng bước hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông với cả nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND và UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch để đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Sở Giao thông vận tải đã xây dựng nhiều chương trình kế hoạch, dự án, đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ nhiều nguồn vốn đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, qua 30 năm tái lập mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh được cải thiện đáng kể…


Thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Nét nổi bật lớn nhất trong hệ thống giao thông Bình Thuận là tháo "điểm nghẽn" đường bộ. Tại thời điểm tái lập tỉnh, hầu hết các tuyến đường có cấp thấp từ cấp IV trở xuống, trừ một số tuyến trong nội thị, nội thành, mặt đường nhỏ hẹp (bề rộng 3,5 - 6m), kết cấu mặt đường chủ yếu là láng nhựa, cấp phối và đường đất, tỷ lệ chiều dài mặt đường bê tông nhựa rất thấp, trừ tuyến Quốc lộ 1 và các tuyến đường trong nội thị. Tình trạng mặt đường xấu và đa số đang trong giai đoạn xuống cấp nên việc lưu thông rất khó khăn, mất nhiều thời gian, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách.

Đến nay, hầu hết các tuyến đường đã được nâng cấp mở rộng mặt đường từ 6m trở lên, tỷ lệ chiều dài mặt đường bê tông nhựa tương đối cao, việc lưu thông thuận lợi, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách. Đã có nhiều công trình giao thông lớn, quan trọng, hiện đại được đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tích cực. Nhất là trong thời gian gần đây, nhiều công trình giao thông đối ngoại, đối nội quan trọng, quy mô lớn đã và đang đẩy nhanh đầu tư xây dựng như hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại trước đây là điểm hạn chế, nút thắt, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh. Nổi bật là các công trình: Đã hoàn thành thảm bê tông nhựa 4 tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 55, Quốc lộ 28 và Quốc lộ 28B với chiều dài 419,65 km. Trong đó: Tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh dài 181,4 km được Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp, mở rộng và cải tạo đưa vào khai thác năm 2016.

Tuyến Quốc lộ 55 đoạn qua địa bàn tỉnh với chiều dài 145,14 km. Năm 2016, đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo, đưa vào khai thác 104 km đoạn tuyến từ ngã ba 46, huyện Hàm Tân đến thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Tuyến Quốc lộ 28 đã đầu tư cải tạo, nâng cấp 42 km từ Phan Thiết đến Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2007. Tuyến Quốc lộ 28B đoạn qua địa bàn tỉnh với chiều dài 51,114 km, trước đây là tuyến đường công vụ của thủy điện Đại Ninh, sau khi được Bộ Giao thông vận tải thống nhất nâng lên thành quốc lộ thì điều kiện sửa chữa, bảo trì được quan tâm hơn. Đường trục ven biển với chiều dài khoảng 237 km, đây là tuyến giao thông rất quan trọng chạy dọc chiều dài bờ biển của tỉnh, đến nay đã hoàn thành thảm bê tông nhựa, một số đoạn tuyến đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu phát triển. Tuyến đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh chiều dài 160,3 km hiện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, đây là dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tỉnh Bình Thuận.


Thành phố Phan Thiết đẹp hơn nhờ các tuyến giao thông được đầu tư đúng mức

Nâng các tuyến “nội vùng”

Hệ thống giao thông đối nội từng bước hoàn chỉnh như đô thị thành phố Phan Thiết là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh cũng đã được quan tâm đầu tư. Các tuyến đường ĐT716 (Phan Thiết - Mũi Né), ĐT719, đường ĐT706B, đường từ cầu Hùng Vương đến đường ĐT706B, cầu và đường Hùng Vương, đường Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn… được đầu tư xây dựng, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông đối ngoại phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải tạo, chỉnh trang bộ mặt đô thị của thành phố; khai thác quỹ đất. Các đường tỉnh lộ, đường huyện lộ cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng như: Đường ĐT720, ĐT766, đường Hòa Thắng - Hòa Phú, đường ĐT717, ĐT719, ĐT714, ĐT712, ĐT715... và nâng cấp, xây dựng hệ thống cầu đường bộ phù hợp với tải trọng đường, đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, du khách giữa các vùng trong tỉnh. Hạ tầng giao thông nông thôn cũng được đẩy mạnh đầu tư. Từ sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/3/2011 về đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân để làm giao thông nông thôn.

Đến nay đã thực hiện đầu tư được 1.277 km/4.764 tuyến đường bê tông xi măng, góp phần rất lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đáng kể điều kiện đi lại sản xuất của nhân dân và hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, hệ thống đường giao thông huyện, đường đến các trung tâm xã, thôn, xóm cơ bản đã được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.

Trước đây, tỉnh Bình Thuận chưa có cảng biển, chỉ có tuyến đường biển Phan Thiết - Phú Quý hoạt động chung tại Cảng cá Phan Thiết do tư nhân tự tổ chức vận chuyển hàng hóa và hành khách bằng tàu gỗ, thời gian đi từ đất liền ra đảo Phú Quý mất nhiều thời gian hơn 5 giờ, chất lượng tàu hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đến nay, đã có 3 cảng là Cảng Phú Quý, Cảng Vận tải Phan Thiết và Cảng tổng hợp quốc tế Vĩnh Tân. Đường hàng không có Sân bay Phan Thiết nằm trên địa bàn xã Thiện Nghiệp là sân bay lưỡng dụng (quân sự và dân dụng); phần quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng, phần dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức đầu tư xây dựng. Hiện nay, đang triển khai thi công xây dựng các hạng mục quân sự và đường cất hạ cánh, phần dân dụng đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai các bước tiếp theo…

Qua 30 năm xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông Bình Thuận đã đạt nhiều thành quả tích cực, kết cấu hạ tầng giao thông được nâng lên đáng kể, đồng bộ, hiện đại, liên thông góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh nhà…

Tại thời điểm tái lập tỉnh, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 1.517,5 km. Trong đó quốc lộ (chỉ có tuyến Quốc lộ 1) với tổng chiều dài 180,5 km, đường tỉnh lộ với tổng chiều dài 253 km. Đường huyện với tổng chiều dài 1.084 km. Đến nay, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 6.700,94 km, tăng 5.183,44 km so với thời điểm tái lập tỉnh. Trong đó 4 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 419,65 km, tăng 239,15 km; đường tỉnh, đường huyện quan trọng do Sở Giao thông vận tải quản lý với tổng chiều dài 632,5 km, tăng 379,5 km; đường huyện, đường đô thị, đường xã, đường giao thông nông thôn, đường chuyên dùng 5.648,74 km, tăng 4.564,74 km…

Nguồn: Báo Bình Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:239250
Lượt truy cập: 176.195.294