Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp đã trở thành thói quen
và nét văn hóa của nhiều người
Nói đến các bến xe, bến tàu, nhiều người thường nghĩ đến khung cảnh xô bồ và có tâm lý cảnh giác vì vấn nạn trộm cắp, móc túi xảy ra. Nhưng nhiều năm nay, ở Bến xe khách Trung tâm TP. Thái Nguyên, nhiều đồ đạc, tài sản, giấy tờ quan trọng của hành khách bị bỏ quên đã được trả lại người mất.
Ông Trịnh Văn Quyến, Giám đốc Bến xe chia sẻ: Nhiều khi khách vội về hay lên xe thường bỏ quên đồ ở ghế chờ, qua hệ thống camera an ninh hoặc nhân viên bến xe, tài xế sau khi phát hiện sẽ đưa cho Ban Quản lý Bến xe để thông báo trên loa phát thanh tìm kiếm hành khách. Nếu không có ai đến nhận, tài sản đó sẽ được lưu giữ tại Quầy bán vé để người bị thất lạc, để quên đồ có thể dễ dàng nhận lại miễn phí. Mỗi món đồ được trả lại người mất là một câu chuyện ấm áp…
Trước đây, cứ đến giờ cao điểm, tại cổng các trường học thường xuyên xuất hiện tình trạng lộn xộn, còi xe inh ỏi, thậm chí phụ huynh còn va chạm dẫn đến cãi vãi, xô xát. Để cải thiện tình trạng này, 3 năm trước, Trường THCS Tân Thành đã tiên phong triển khai mô hình xếp xe đón con.
Cô giáo Nguyễn Hương Xoan, Phó Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Ngày đầu tiên triển khai mô hình, các thầy cô giáo ra cổng trường hướng dẫn phụ huynh cách xếp xe ngay ngắn trong khu vực có vạch kẻ sẵn, đầu xe quay ra ngoài để thuận tiện lưu thoát ra khỏi cổng trường. Những ngày sau, chúng tôi không còn phải hướng dẫn hay nhắc nhở thêm nữa, các bậc phụ huynh đều tự thực hiện.
Anh Nguyễn Ngọc Tiến, một phụ huynh học sinh, vui mừng nói: Việc các phụ huynh nêu cao ý thức xếp hàng đỗ xe chờ đón con ngoài việc đảm bảo mỹ quan trường học, không gây lộn xộn, còn đảm bảo an toàn cho con trẻ khi đến trường. Đây cũng là cách để người lớn làm gương, giáo dục trẻ hình thành văn hóa giao thông ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Dừng đèn đỏ đúng vạch là một nét văn hóa giao thông
(ảnh chụp trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên)
"3 xanh thì bỏ, 3 đỏ thì đi" là tâm niệm của chị Nguyễn Thị Loan, ở phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), mỗi khi tham gia giao thông. Chị giải thích: Khi đèn tín hiệu màu xanh đếm lùi chỉ còn 3 giây mà chưa đến vạch thì tôi dừng lại chứ không phóng nhanh cho kịp qua để tránh va chạm. Ngược lại, thấy đèn đỏ chỉ còn 3 giây thì chuẩn bị sẵn sàng để đi, không để người phía sau phải chờ đợi, bấm còi.
Còn anh Quách Hoàng Long, ở phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên chia sẻ về việc “làm hòa” khi xảy ra va chạm giao thông: Lái xe thường rất căng thẳng, nên khi xảy ra va chạm rất dễ dẫn đến nổi nóng. Anh em, bạn bè tôi luôn nhắc nhau “một điều nhịn là chín điều lành”, nếu xảy ra va chạm thì mình nên bình tĩnh xuống xe hỏi han tình hình của người bị va quệt và bắt tay làm hòa, tránh những “cuộc chiến” không đáng có.
Để góp phần xây dựng văn hóa giao thông còn có rất nhiều những câu chuyện truyền cảm hứng khác. Đó là những đoàn viên thanh niên, những hội viên Cựu chiến binh đã tình nguyện tham gia các tổ, nhóm tự quản an toàn giao thông, an ninh trật tự tại khu dân cư, điều tiết giao thông trước các cổng trường học mỗi khi đến giờ đưa, đón học sinh. Là chiến sĩ Cảnh sát giao thông không ngần ngại giúp đỡ lái xe thu dọn đất đá bị đổ ra đường. Những gia đình đã tình nguyện hiến đất, dịch tường rào để mở rộng đường giao thông…
Những hành động rất đỗi giản dị đã góp phần lan tỏa nét đẹp nhân văn, văn hóa giao thông của công dân TP. Thái Nguyên. Ứng xử văn minh trong tham gia giao thông còn là cách để mỗi người tự bảo vệ bản thân và cộng đồng nơi công cộng.