Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945. Ảnh: TƯ LIỆU
Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á. Trong bối cảnh nền độc lập non trẻ của đất nước sẽ sớm phải đương đầu với những kẻ thù xâm lược vẫn đang lăm le dòm ngó, bản Tuyên ngôn còn mang giá trị như một lời hiệu triệu đại đoàn kết, quy tụ sức mạnh của toàn dân tộc cho cuộc đấu tranh gian khổ mà cả dân tộc sắp bước vào.
GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRONG TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Khẳng định những yếu tố quy tụ đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mở đầu bằng cách trích dẫn lại lời của bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định những giá trị thời đại mà mọi dân tộc đều theo đuổi, đó là quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là cách mở đầu đầy độc đáo và sắc sảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho bản Tuyên ngôn độc lập của một đất nước vừa bước ra từ khói lửa chiến tranh. Còn gì độc đáo và sâu sắc hơn khi trích dẫn tuyên ngôn của chính đất nước đã và đang tìm mọi cách để áp đặt ách đô hộ lên dân tộc mình, tuyên ngôn của những đất nước hùng mạnh và có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới lúc bấy giờ. Cách tiếp cận và đặt vấn đề của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hiển nhiên khẳng định cuộc đấu tranh mà dân tộc ta đang theo đuổi, nền độc lập mà dân tộc ta vừa giành được là hoàn toàn chính danh và chính nghĩa; đồng thời đặt cách mạng Việt Nam vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân.
Đối với dân tộc Việt Nam, những giá trị mang tính thời đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến thông qua việc trích dẫn hai bản tuyên ngôn nổi tiếng cũng chính là những ước mơ, khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc. Đối với một dân tộc đã trải qua hơn 80 năm bị đô hộ bởi chủ nghĩa thực dân, còn điều gì quý giá hơn quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền độc lập, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những giá trị mà mọi người dân, mọi thành phần, giai cấp, dân tộc, đảng phái đều chắc chắn phải thừa nhận. Chính thông qua việc nêu lên những giá trị ấy, chủ tịch Hồ Chí Minh đã chạm đến điểm quy tụ quan trọng nhất cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cần phải thấy rằng, trong bối cảnh lúc bấy giờ, lý tưởng cộng sản, con đường cách mạng vô sản mà Đảng ta lựa chọn cho dân tộc không phải đã được truyền bá đầy đủ đến tất cả các tầng lớp nhân dân. Nội bộ đất nước vẫn còn nhiều đảng phái, giai cấp, cá nhân với những lập trường tư tưởng khác nhau, không phải ai cũng đồng thuận với lý tưởng cộng sản. Quá trình vận động cách mạng để đi đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cũng đã cho thấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã phải rất khéo léo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua việc thành lập Mặt trận Việt Minh để quy tụ sức mạnh tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Chính vì vậy, ngay ở những lời đầu tiên của Tuyên ngôn, trong lần đầu tiên gửi tiếng nói của Chính phủ lâm thời đến toàn thể quốc dân đồng bào, thay vì nói về Đảng, về Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến những giá trị chung của thời đại, đến ước mơ chung của toàn thể dân tộc. Đó đều là những điều mà toàn thể dân tộc Việt Nam, dù theo đảng phái, giai cấp nào cũng đều thừa nhận. Chính điều đó đã làm cho người dân thấy được sự thống nhất giữa lý tưởng của Đảng với lý tưởng của dân tộc, qua đó quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Khẳng định sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ, súc tích về tiến trình đấu tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc để đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, qua đó làm nổi bật sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong đó không chỉ khôn khéo lợi dụng tình thế, thời cơ cách mạng để giành lại nền độc lập từ tay phát xít Nhật, sẵn sàng đương đầu với thực dân Pháp, mà còn đánh đổ sự thống trị của chế độ quân chủ tồn tại “mấy mươi thế kỷ” để lập nên một nước Cộng hòa Dân chủ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn không phải là “ăn may”, là sự “ngẫu nhiên của lịch sử” như một số kẻ phản động sau này xuyên tạc, chống phá, mà là kết quả của cả quá trình Đảng ta cùng toàn dân tộc dày công xây dựng lực lượng, rèn luyện đấu tranh, tạo thế, lập thời để khi thời cơ đến có thể kịp thời nắm bắt và tiến hành cách mạng.
Cội nguồn sức mạnh quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xuyên suốt toàn bộ bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều cách diễn đạt khác nhau để nói về sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như “nhân dân cả nước ta”, “dân ta”, “toàn dân Việt Nam”, “một dân tộc”... Người viết: “Khi Nhật đầu hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Cộng hòa Dân chủ”(1); “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(2); “Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”(3); “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(4) …
Từng câu, từng chữ trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào đều toát lên khí phách của một dân tộc anh hùng, bất khuất, dù phải đương đầu với bất kỳ thử thách nào cũng không cúi đầu cam chịu làm nô lệ. Cơ sở, căn cốt, cội nguồn của khí phách ấy, của tư thế hiên ngang ấy chính là từ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, sự thống nhất ý chí và hành động của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Khẳng định ý chí quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Không chỉ là lời khẳng định cho nền độc lập chính đáng mà dân tộc Việt Nam vừa giành được, mà Tuyên ngôn độc lập còn là lời hiệu triệu đoàn kết và khơi dậy khí thế của dân tộc khi sắp phải bước vào cuộc đấu tranh gian khổ mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh biết chắc chắn rằng sẽ không thể nào tránh khỏi. Ngay trong những ngày cuối tháng Tám năm 1945, lấy danh nghĩa quân Đồng minh, gần 20 vạn quân Tưởng, theo gót là lực lượng phản động Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội ồ ạt kéo vào miền Bắc nước ta. Chúng ráo riết thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền phản động. Đằng sau quân Tưởng là Mỹ với dã tâm đặt Đông Dương dưới chế độ “ủy trị” của họ. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa quân Đồng minh, quân Anh vào giải giáp quân Nhật, núp sau quân Anh là quân Pháp. Vận mệnh của nước Việt Nam mới như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Hơn lúc nào hết, đây chính là thời khắc mà sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc phải được khẳng định. Tuyên ngôn độc lập đã đanh thép tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(5). Trải qua biết bao gian khổ, hy sinh, dân tộc ta đã giành được nền độc lập cho mình từ tay phát xít, thực dân. Do đó, chúng ta cũng sẽ quyết tâm bảo vệ vững chắc nền độc lập ấy bằng sự gắn kết của toàn thể dân tộc, bằng tất cả những gì mình có, dù có phải chịu hy sinh, tổn thất to lớn.
Với tinh thần của Tuyên ngôn độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã cùng nhau xây dựng khối đoàn kết vững chắc, phát huy sức mạnh của cả dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiếp đó đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược với chiến thắng Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH. Kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
PHÁT HUY SƯC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch vẫn không ngừng tìm cách chống phá, thách thức đối với Đảng và nhân dân ta trong bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN sẽ không ngừng gia tăng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đó, chúng ta cần tiếp tục quán triệt tinh thần của Tuyên ngôn độc lập, tiếp tục xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn nhận thức đúng đắn, nhất quán vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(6). Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(7).
Xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân, trong đó sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đóng vai trò then chốt là. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quan điểm, chủ trương về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền và lợi ích của nhân dân, thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực.
“Chính sách và pháp luật của Nhà nước là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện đại đoàn kết toàn dân và sinh hoạt dân chủ trong xã hội”(8). Do đó, cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân; đổi mới và hoàn thiện chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, qua đó từng bước củng cố, nâng cao nhận thức, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, không ngừng củng cố sự vững mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng trước hết trên cơ sở sự thống nhất nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân ở trong nước cũng như đồng bào ta đang định cư ở nước ngoài hiểu rõ đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đó, cùng với việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục pháp luật, công tác tuyên truyền nội bộ của tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các hội nghề nghiệp, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang…, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục đối với các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại, quan tâm hơn nữa đến đồng bào ta đang định cư ở nước ngoài để đồng bào thấy rõ mình thực sự là bộ phận không tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực, tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh”(9).
Ảnh tư liệu
Ba là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát huy quyền làm chủ của mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ có thể được phát huy khi Đảng, Nhà nước có những cơ chế phù hợp với mỗi giai cấp, tầng lớp, thành phần xã hội để nhân dân ta thực sự có quyền làm chủ nhà nước và xã hội, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Đại hội XIII, Đảng đã chỉ rõ cần phải “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”(10).
Theo đó, mọi cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải thực sự thấm nhuần trách nhiệm là “công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, luôn tôn trọng, lắng nghe tiếng nói của nhân dân; thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; làm tốt trách nhiệm của bản thân trong giải quyết mọi khó khăn, khúc mắc của nhân dân, qua đó củng cố tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bởi đó chính là những yếu tố trực tiếp làm tổn hại đến quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, làm suy yếu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bốn là, đảm bảo lợi ích của các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Sự thống nhất lợi ích chính là động lực căn bản của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay không thể không quan tâm giải quyết hài hòa lợi ích của các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”(11). Nhân dân ta cần “trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân không thể lý luận suông, chính trị suông”(12).
Mít tinh mừng độc lập ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Tư liệu
Đối với nước ta hiện nay, bên cạnh sự thống nhất lợi ích căn bản ở mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, mỗi giai cấp, tầng lớp, mỗi dân tộc, tôn giáo đều có những nhu cầu lợi ích riêng. Đảng, Nhà nước cần thấu hiểu và có cơ chế, chính sách cụ thể để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của từng thành phần, bộ phận. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trước tác động của quy luật cạnh tranh, việc xảy ra những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các bộ phận, thành phần xã hội là khó tránh khỏi.
Đảng, Nhà nước cần phải kịp thời nắm bắt tình hình thực tiễn, đề ra các chủ trương, biện pháp để hóa giải mâu thuẫn, tránh để nảy sinh những xung đột lớn, gây tổn hại đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thành quả phát triển của đất nước phải được phân bổ đúng đắn, hợp lý để mọi người dân đều được thụ hưởng, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mỗi bước tiến trong việc cải thiện đời sống nhân dân cũng là mỗi bước củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đúng như Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội”(13).
Thực hiện tốt những nội dung trên là thiết thực quán triệt tinh thần của Tuyên ngôn độc lập vào xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới hiện nay./.
Lã Trọng Đại
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng
_____________________
(1) (2) (3) (4) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.2, 3, 3, 3, 3.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tr.116.
(7) (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.I, tr.34, 191, 118.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2001, tr.124.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.4, tr.56.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1995, t.6, tr.292.
(13) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.240.