Theo Tổ chức kiểm tra nhà nước cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, từ 1/9-30/11/2022, Tổ chức các Chính quyền cảng tham gia bản ghi nhớ Tokyo về hợp tác kiểm tra tàu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là Tokyo MoU) và Tổ chức các Chính quyền cảng tham gia bản ghi nhớ Paris về hợp tác kiểm tra tàu khu vực Tây Âu - Bắc Đại Tây Dương (gọi tắt là Paris MoU) sẽ tổ chức Chiến dịch kiểm tra tàu biển của các nước khi ra vào cảng biển trong khu vực với nội dung liên quan đến Công ước STCW.
Các tàu biển có thể bị lưu giữ nếu bị phát hiện có khiếm khuyết. Ảnh minh họa
Đây là Công ước quốc tế về tiêu chuẩn về huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên.
Theo đó, sẽ tập trung kiểm tra số lượng thuyền viên làm việc trên tàu và chứng chỉ của thuyền viên phù hợp với các quy định liên quan của Công ước và Bộ luật STCW và các yêu cầu định biên an toàn của quốc gia tàu mang cờ quốc tịch.
Tất cả thuyền viên làm việc trên tàu theo quy định phải được chứng nhận phù hợp với Công ước STCW đều có chứng chỉ thích hợp hoặc được miễn trừ hợp lệ, hoặc có bằng chứng tài liệu là đề nghị xác nhận đã được đệ trình lên Quốc gia tàu mang cờ quốc tịch; Các thuyền viên có giấy khám sức khỏe theo yêu cầu của Công ước STCW.
Lịch trực ca và thời giờ nghỉ ngơi của thuyền viên tuân thủ các yêu cầu của Công ước và Bộ luật STCW nhằm hỗ trợ nâng cao nhận thức của chủ tàu, người khai thác tàu và thuyền viên về các yêu cầu cụ thể của Công ước và Bộ luật STCW.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, trong 7 đầu năm 2022, có 8 tàu biển của Việt Nam hoạt động tuyến quốc tế bị lưu giữ.
Đây là các trường hợp bị chính quyền cảng nước ngoài kiểm tra nhà nước về an toàn và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và phát hiện có nhiều khiếm khuyết nghiêm trọng nên lưu giữ và yêu cầu sửa chữa, khắc phục các khiếm khuyết kỹ thuật.
Trong quá trình kiểm tra tàu, nếu phát hiện có khiếm khuyết, Chính quyền cảng có thể đưa ra các hành động khác nhau từ ghi nhận khiếm khuyết và hướng dẫn thuyền trưởng khắc phục trong khoảng thời gian nhất định, đến lưu giữ tàu cho đến khi các khiếm khuyết nghiêm trọng được khắc phục.
Ông Phạm Hải Bằng - Trưởng phòng Tàu biển, Cục Đăng kiểm VN cho biết, Việt Nam đang nằm trong Danh sách trắng, thuộc top những nước có tỷ lệ tàu lưu giữ thấp, với tỷ lệ khoảng 1-2%.
“Tàu của Việt Nam bị lưu giữ hiện nay chỉ có một số khiếm khuyết liên quan tới bảo dưỡng, vận hành. Hiện nay, các giải pháp được thực hiện để hạn chế tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại nước ngoài vẫn đang được thực hiện theo Đề án duy trì đội tàu biển Việt Nam trong danh sách trắng và xám của Tokyo MOU”, ông Bằng thông tin.
Được biết, nhiều giải pháp đã được cơ quan quản lý đưa ra để thực hiện, cụ thể như nâng cao chất lượng kỹ thuật đóng mới và sửa chữa tàu biển; xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu biển; Đầu tư nâng cấp và tăng cường năng lực của các trung tâm thử nghiệm, đáp ứng nhu cầu thử nghiệm vật liệu, máy và trang thiết bị sử dụng trong việc chế tạo và sửa chữa các phương tiện giao thông vận tải và dầu khí biển...
Đội tàu biển Việt Nam đang nằm trong Danh sách trắng, giúp nâng vị thế của hàng hải Việt Nam
Cục Đăng kiểm VN và Cục Hàng hải VN đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ quá trình đăng kiểm chất lượng tàu biển đóng mới. Thường xuyên kiểm tra đột xuất tàu đang khai thác, hoạt động quốc tế, hậu kiểm sau khi kiểm tra định kỳ đối với các tàu hoạt động tuyến quốc tế...
Trong chiến dịch kiểm tra tập trung lần này, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh cũng vừa yêu cầu Phòng Thủ tục tàu thuyền, các đại diện chủ tàu tăng cường kiểm tra kỹ các nội dung liên quan đến định biên an toàn tối thiếu, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ huấn luyện, giấy khám sức khỏe của thuyền viên làm việc trên tàu khi tàu làm thủ tục đến, rời cảng.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đề nghị phổ biến tới các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu các nội dung của chiến dịch: "Các chủ tàu, công ty quản lý khai thác tàu phải phổ biến nội dung của chiến dịch tới đội tàu biển của công ty. Nghiêm túc triển khai, đảm bảo tuân thủ đúng quy định các nội dung của chiến dịch, đặc biệt là các tàu biển hoạt động tuyến quốc tế”.
Theo Cục Hàng hải VN, trong khu vực Thoả thuận kiểm tra nhà nước tại cảng biển Châu Á - Thái Bình Dương-Tokyo MOU (nơi Việt Nam là thành viên từ năm 1999), từ 30/10/2016 đến 30/10/2021 (5 năm), đã có 4.408 lượt tàu biển Việt Nam tại cảng biển các nước thuộc Tokyo MOU, trong đó có 3.585 lượt tàu biển kiểm tra lần đầu, 823 lượt kiểm tra theo dạng follow-up, phát hiện 10.932 khiếm khuyết liên quan đến 2.867 lượt tàu, bị lưu giữ 114 lượt tàu, tỷ lệ lưu giữ 3,18%.
Đối với 114 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ, loại tàu bị lưu giữ nhiều nhất là tàu hàng tổng hợp (48 lượt), tàu hàng rời (33 lượt), tàu khác (18 lượt), tàu dầu (7 lượt), tàu container (5 lượt), tàu gas (2 lượt) và tàu hoá chất (1 lượt).
Các Sỹ quan kiểm tra nhà nước cảng biển đã phát hiện 1134 khiếm khuyết các loại, bao gồm 297 khiếm khuyết dẫn tới quyết định lưu giữ tàu biển. Trong 297 khiếm khuyết lưu giữ tàu, có tới 217 khiếm khuyết liên quan đến các trang thiết bị (chiếm 73,06%), 39 khiếm khuyết liên quan đến Giấy chứng nhận và tài liệu của tàu (chiếm 13,14%), 37 khiếm khuyết liên quan đến vận hành của thuyền viên và công tác duy trì Bộ luật quản lý an toàn quốc tế (12,45%), 4 khiếm khuyết liên quan đến các vấn đề an ninh của tàu biển (1,35%); các khiếm khuyết tập trung chủ yếu về các thiếu sót của trang thiết bị an toàn chống cháy, trang thiết bị cứu sinh, trang thiết bị cứu hoả, các cửa kín thời tiết, hệ thống khẩn nguy tàu biển...