Chú trọng bảo đảm an toàn hàng hải

Thứ hai, 12/09/2022 09:22

Là một trong những lĩnh vực vận tải có yêu cầu khắt khe về bảo đảm an toàn giao thông hàng hải. Tuy nhiên, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông hàng hải cần được chú trọng, đặc biệt là việc tuân thủ quy định, quy trình hoạt động của thuyền viên và phòng ngừa rủi ro kỹ thuật.

Cuối tháng 6/2022, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã tiếp nhận thông tin về tàu Nam Thịnh 126 bị chìm tại khu vực Hòn Dấu (Hải Phòng) khi đang hành trình từ cảng Quy Nhơn (Bình Định) về cảng Cấm (Hải Phòng). Trên tàu có 8 thuyền viên và 2 hành khách đi cùng, chở theo 1.800 tấn đá xẻ, đá kiện. Với sự nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, tàu chuyên dụng SAR 411 và một số tàu đang hoạt động trong khu vực, toàn bộ 10 người trên tàu Nam Thịnh 126 đã được cứu vớt kịp thời, được chăm sóc sức khỏe, đưa về bờ an toàn.

Chú trọng bảo đảm an toàn hàng hải
Tàu chuyên dụng SAR 27-01 thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn hàng hải. Ảnh: PHẠM ĐỨC 

Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên lĩnh vực hàng hải xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông, làm chết và mất tích 12 người, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 1 vụ (20%), tăng 4 người chết và mất tích (50%), số người bị thương không thay đổi. Thực tế, trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2021, số vụ tai nạn hàng hải liên tục giảm, đa phần tai nạn xảy ra ngoài biển xa. Bên cạnh đó, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam cũng thường xuyên tiếp nhận, xử lý các thông tin báo nạn. Phần lớn vụ báo nạn từ tàu cá, tàu chở hàng vận tải biển chiếm tỷ lệ nhỏ.

Đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn hàng hải do sĩ quan, thuyền viên chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn hàng hải, quy trình trực canh buồng lái. Một số trường hợp còn lúng túng khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp, không có biện pháp xử lý thích đáng. Ngoài ra, một số tàu vận tải biển chưa được đầu tư thỏa đáng cho công tác duy tu, bảo dưỡng, thường gặp vấn đề kỹ thuật, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, sự cố hàng hải.

Để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên biển, ngành hàng hải đang triển khai một số giải pháp cấp thiết. Trước hết là chú trọng kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn kỹ thuật của tàu, phương tiện, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, công tác xếp dỡ, chằng buộc hàng hóa, bố trí đầy đủ trang thiết bị cứu sinh... Với các trường hợp vi phạm, cảng vụ hàng hải kiên quyết xử lý nghiêm, không cho phương tiện rời cảng khi chưa khắc phục được khiếm khuyết nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra việc đón, trả, dẫn tàu của hoa tiêu; giám sát chặt chẽ vận tải hành khách trên các tuyến đường thủy từ bờ ra đảo; thực hiện tốt công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, sử dụng trang thiết bị hỗ trợ để bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông hàng hải.

P.V

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:190274
Lượt truy cập: 176.789.271