Vỉa hè tuyến đường Nguyễn Tất Thành được cải tạo, thay thế
bằng gạch terrazzo đảm bảo mỹ quan đô thị
Với mạng lưới giao thông dày đặc gần 892km, bao gồm bốn tuyến Quốc lộ, sáu tuyến đường tỉnh, 113 tuyến đường đô thị và trên 646km đường xã, trong những năm qua, thành phố Việt Trì đã nỗ lực tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là thực hiện xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và sự phát triển chung của thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Trì đã huy động khoảng 121 tỉ đồng để đầu tư xây dựng gần 142km đường giao thông bê tông xi măng. Trong đó, có 40,6 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách: Tỉnh, thành phố, xã, phường và 80,4 tỉ đồng do nhân dân đóng góp. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, đã phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc quản lý bảo vệ công trình.
Chị Nguyễn Thị Lan kinh doanh cửa hàng thời trang ở đường Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Ngày trước, vỉa hè dọc tuyến đường này lát gạch block bị xô, lún, mấp mô, cỏ mọc, gây mất mỹ quan. Năm 2017, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cùng sự đóng góp của nhân dân, vỉa hè này đã được thay thế bằng lát gạch terrazzo bền đẹp. Chúng tôi rất phấn khởi vì không những có không gian sạch, đẹp mà còn thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán…”.
Trong hai năm 2017-2018, TP. Việt Trì đã cải tạo vỉa hè của các tuyến đường như: Chử Đồng Tử, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Du, Châu Phong, Nguyễn Thị Minh Khai theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khối lượng thực hiện đạt 79.000m2 vỉa hè, tổng kinh phí thực hiện 15,3 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố và phường là 81 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 7,2 tỉ đồng.
Gấp rút hoàn thành mở rộng tuyến đường Phan Châu Trinh
Hệ thống hạ tầng giao thông từng bước phát triển, tuy nhiên hệ thống vỉa hè và một số tuyến đường trong đô thị được đầu tư từ những giai đoạn trước đã bị hư hỏng, hoặc không phù hợp, không đảm bảo mỹ quan đô thị. Hệ thống đường trong các khu dân cư xuống cấp vẫn còn chiếm tỉ lệ lớn gần 363km. Nhiều tuyến đường chưa được đầu tư cải tạo kịp thời như đường Tản Viên (đoạn từ đường Nguyễn Tất Thành - Phù Đổng - Âu Cơ, đường Trần Toại, đường Đinh Tiên Hoàng…) gây khó khăn cho việc đi lại, không đảm bảo giao thông và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, vốn ngân sách còn hạn chế; trong khi chủ trương, cơ chế chính sách cho việc huy động đầu tư xây dựng đường bê tông nhựa từ nguồn vốn xã hội hóa chưa có, mới chỉ hỗ trợ xi măng theo chính sách của tỉnh Phú Thọ để làm đường bê tông xi măng…
Tiếp tục đầu tư phát triển và quản lý hệ thống đường giao thông đảm bảo thông suốt, đồng bộ, cứng hóa, bền vững, đạt chuẩn và kết nối đồng bộ với hệ thống đường đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; từng bước xây dựng đô thị khang trang, văn minh, hiện đại, thành phố đã xây dựng Đề án xã hội hóa cải tạo, nâng cấp đường giao thông khu dân cư bằng bê tông nhựa và lát vỉa hè giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu: Cải tạo, nâng cấp khoảng 60km mặt đường bê tông nhựa trên mặt đường bê tông xi măng cũ, đường bê tông nhựa đã xuống cấp; cải tạo, lát vỉa hè khoảng 106.261m2 ở các tuyến đường, phố, ngõ, xóm với tổng vốn đầu tư của cả hai nội dung khoảng 127 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 56,75 tỉ đồng, phần còn lại từ ngân sách phường, xã và huy động nhân dân đóng góp và các nguồn hợp pháp khác.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nhu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu này, chính quyền các cấp từ thành phố đến cơ sở phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân và các thành phần kinh tế theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; tạo điều kiện để người dân được sử dụng cơ sở hạ tầng tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, các nội dung phải thực hiện tuần tự theo các bước như: Tổ chức các cuộc họp bàn với nhân dân tại khu dân cư, tạo đồng thuận của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, để từ đó người dân tự nguyện đóng góp kinh phí, công khai, minh bạch. Ở cấp xã, phường phải thành lập Ban quản lý dự án, Ban giám sát đầu tư cộng đồng tại khu dân cư thực hiện theo quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức kiểm tra, rà soát cụ thể các tuyến đường cần thiết đầu tư, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng (nếu có), chủ động ra quân giải tỏa hành lang các tuyến đường đảm bảo thông thoáng và an toàn trong suốt quá trình đầu tư xây dựng”.
Chủ trương đúng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cùng tinh thần đồng thuận trong nhân dân đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Hạ tầng giao thông ở Việt Trì đang ngày càng khởi sắc, xứng tầm với đô thị loại I, Thành phố lễ hội về với cuội nguồn dân tộc.