Ngành GTVT Quảng Nam chủ động ứng phó mưa bão

Thứ sáu, 16/09/2022 14:50

Ngành GTVT tỉnh Quảng Nam đang “chạy đua” với thời gian để triển khai các hạng mục bảo trì thường xuyên, bảo trì định kỳ và sửa chữa nền, ta luy, mặt đường, hệ thống thoát nước nhiều tuyến giao thông trọng yếu nhằm đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay.


Thanh tra Sở GTVT làm việc với các chủ thuyền tại bến đò ngang Đại Bình (huyện Nông Sơn)
về đảm bảo an toàn đường thủy mùa mưa bão

Công trình khôi phục, tái thiết đường ĐT606 qua địa bàn huyện Tây Giang, sau những thiệt hại của mùa mưa bão năm 2020, đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Đến giữa tháng 9, việc sửa chữa nền, mặt đường với tổng chiều dài 3,58km đã hoàn thành.

Các cầu bản, cống hộp xây dựng xong; hạng mục làm tường chắn, gia cố mái ta luy cũng đã đâu vào đấy. Nhà thầu đang chỉnh sửa cọc tiêu, biển báo trước khi thực hiện thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng.

Công trình sửa chữa nền, mặt đường các đoạn thuộc lý trình Km56+360 - Km73+250 của tuyến Quốc lộ 14B, qua địa bàn 2 huyện Đại Lộc và Nam Giang cũng đang gấp rút thực hiện.

Trong khi đó, công trình sửa chữa, hoàn thiện hệ thống thoát nước Quốc lộ 14B cơ bản hoàn thành. Nhà thầu đang dọn dẹp phạm vi thi công, chỉnh sửa cọc tiêu, biển báo để thực hiện thủ tục bàn giao đưa vào sử dụng.


Thi công hệ thống cống để giải quyết tình trạng nước đọng trên Quốc lộ 14B,
qua xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc)

Cũng trên Quốc lộ 14B, mỗi lần có mưa lớn kéo dài, nước không thoát được đã tràn qua đường vị trí lý trình Km60+000 (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) và Km69+400 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây khó khăn khi lưu thông, mất an toàn giao thông. Để phòng tránh trong mùa mưa bão tới, ngành GTVT Quảng Nam đang cho xây dựng cống tại Km60+000 và cống qua đường tại Km69+400 để giải quyết tình trạng trên.

Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam cho biết, chủ động ứng phó mùa mưa bão năm 2022, ngoài tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tại, tìm kiếm cứu nạn, ngành đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ, đường thủy nội địa kiểm tra toàn bộ hệ thống; sửa chữa, gia cố các vị trí xung yếu để bảo vệ an toàn công trình.

Chuẩn bị vật tư, vật liệu và di chuyển thiết bị, máy móc đến vị trí xung yếu, có nguy cơ bị hư hỏng, ngập úng; chủ động làm việc với các địa phương để phối hợp, hỗ trợ trong thời gian xảy ra thiên tai.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:302624
Lượt truy cập: 176.089.815