Thay đổi diện mạo
Với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và từ sức bật của Nghị quyết 26 Bộ Chính trị, nhiều trục giao thông chính, các nút giao cắt, các đường vành đai đã bước đầu nâng cao năng lực giao thông cho các khu vực đô thị, nhất là thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò. Nhiều công trình được tỉnh và thành phố đầu tư có tính trọng điểm đã và đang hoàn thành.
Đường Vinh - Cửa Lò, một con đường lớn của Nghệ An và là dự án trọng điểm của thành phố Vinh hiện đã hoàn thành tạo kết nối không gian đô thị Vinh - Cửa Lò. Sau khi hoàn thành, lưu lượng xe từ Vinh đi Cửa Lò và ngược lại đã khá tấp nập. Việc hoàn thành tuyến đã rút ngắn khoảng cách Vinh - Cửa Lò đồng thời mở thêm quỹ đất thu hút đầu tư rất lớn ở đây.
Giai đoạn 2 của dự án này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4686/2021 với tổng mức đầu tư 1.415 tỷ đồng, dự án đã được bố trí vốn để khởi công trong năm 2022. Dự án cầu Cửa Hội đã hoàn thành, thông xe từ tháng 3/2021, kết nối những trung tâm kinh tế vùng của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Các dự án giao thông nội thị gồm đường Nguyễn Sỹ Sách kéo dài nối đường ven sông Lam đã phê duyệt dự án gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 do ngân sách tỉnh bố trí (tổng mức 237,5 tỷ đồng) khởi công năm 2018 đến nay, đạt hơn 75% khối lượng. Giai đoạn 2 do ngân sách thành phố bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025. Đường Lê Mao kéo dài đã bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách thành phố, hiện đang thẩm định dự án. Đường Lý Thường Kiệt đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp...
Bên cạnh đường nội thị và các tuyến đường nông thôn mới ở thành phố, thành phố cũng xây dựng điện chiếu sáng các tuyến đường: Đặng Như Mai, Ngô Gia Tự, Nguyễn Cảnh Hoan, Nguyễn Viết Xuân, Kim Đồng. Xây dựng mới điện chiếu sáng tại các tuyến đường: Phùng Chí Kiên, Quốc lộ 1A đoạn cầu vượt Nghi Kim - Ngã tư Sân bay Vinh; Võ Nguyên Hiến; Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Hồng Thái, một số tuyến đường chính thuộc phường, xã: Hưng Dũng, Trung Đô, Hưng Bình, Nghi Phú…
Nhiều trục giao thông chính, các nút giao cắt, các đường vành đai đã bước đầu nâng cao năng lực giao thông cho các khu vực đô thị, nhất là thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò.
Báo cáo của thành phố cho thấy: Từ năm 2013, thành phố đầu tư xây dựng mới 20 công trình hạ tầng kỹ thuật với số vốn bố trí 62,6 tỷ đồng. Đến năm 2019, đã đầu tư xây dựng mới 63 công trình với số vốn 183,9 tỷ đồng. Năm 2020 là 67 công trình mới được đầu tư xây dựng với số vốn 140,5 tỷ đồng.
Năm 2021, bước sang giai đoạn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, thành phố đã bố trí 173,416 tỷ đồng cho 54 công trình hạ tầng kỹ thuật mới.
Cầu Cửa Hội hoàn thành năm 2021
Nâng cấp hệ thống đường sắt qua Vinh
Dự án Nâng cấp đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Nghệ An năm 2021 đã hoàn thành nâng cấp một số hạng mục như: Kiến trúc tầng trên dài 12,8 km, Ga Vinh, Ga Chợ Sy. Trong năm 2022 sẽ tiếp tục triển khai cải tạo bình diện một số đường cong bán kính nhỏ nhằm đảm bảo an toàn giao thông, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt; từng bước nâng cao năng lực thông qua, năng lực chuyên chở...
Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng ga hàng hóa tại Yên Lý, huyện Diễn Châu (tổng mức đầu tư 23 tỷ đồng) và ga hàng hóa ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) (tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng).
Tuyến đường sắt Quán Hành - Cửa Lò đã được đưa vào quy hoạch tuyến đường sắt kết nối vào các cảng biển trong Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng không là một thế mạnh của đô thị Vinh trong khu vực nhiều năm qua. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, dự kiến đầu tư và bố trí vốn cho các dự án tại Cảng Hàng không quốc tế Vinh, gồm cải tạo, mở rộng sân đỗ tàu bay; xây dựng nhà ga hành khách công suất 5 triệu hành khách/năm và kết cấu hạ tầng đồng bộ; Xây dựng sân đỗ máy bay trước Nhà ga hành khách T2 (10 vị trí).
Ông Trần Ngọc Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: Trong những năm qua, thành phố luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, của tỉnh về định hướng phát triển. Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, trong đó xác định: “Xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”.
Cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2468/QĐ-TTg ngày 29/12/2015 và Quyết định số 827/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 phê duyệt Đề án Phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực, tạo điều kiện để thành phố triển khai nhiều quy hoạch, chương trình, đề án quan trọng. Trong đó hạ tầng giao thông là một dấu ấn quan trọng.
Thời gian tới, phát huy những thành quả quan trọng của Nghị quyết 26, thành phố tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông thêm các tuyến, đó là: Mạng lưới giao thông theo Dự án WB2 gồm: Đường ven sông Lam, đường Lê Mao kéo dài, đường Cao Xuân Huy, đường Trần Nguyên Hãn; Hai là, đường bao phía Tây nối đường Nguyễn Sinh Sắc với đường 72m; Ba là, mở rộng đường Nguyễn Viết Xuân; Bốn là, xây dựng đường và kênh thoát rộng 80m từ xã Hưng Đông đến xã Hưng Lộc; Năm là, đầu tư đường bao phía Đông thành phố nối đường Nguyễn Du ở phường Bến Thủy với đường 35m ở xã Hưng Hòa.
Ông Trần Ngọc Tú - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Vinh