Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng phương tiện tại Quốc lộ,
đoạn qua địa phận phường Lương Sơn (TP. Sông Công)
Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm về TTATGT lần này, lực lượng CSGT tập trung xử lý đối 4 nhóm hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu gây nên tai nạn giao thông đường bộ, gồm: Tốc độ; nồng độ cồn; cơi nới thành, thùng xe và chở hàng quá tải trọng. Lực lượng CSGT tập trung kiểm tra tại các tuyến đường đi qua địa bàn tỉnh như Quốc lộ 3, Quốc lộ 1B và Quốc lộ 17, Quốc lộ 37 cùng các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị.
Sau 3 tháng triển khai, trong số 9.861 trường hợp vi phạm bị xử lý, đáng lưu ý, có tới 1.139 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 710 trường hợp chở hàng quá tải; 2.394 trường hợp vi phạm tốc độ...
Ghi nhận tại các buổi tuần tra, kiểm soát cho thấy, nếu trong tháng đầu tiên phát động cao điểm, thống kê số vi phạm về nồng độ cồn chiếm đến 30% tổng số vi phạm được phát hiện và xử lý, thì 2 tháng trở lại đây, tỷ lệ lỗi vi phạm này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vi phạm về tốc độ vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 30-40 trường hợp/ngày. Điều đáng nói, ngoài yếu tố khách quan từ tình huống giao thông cụ thể, những vi phạm về tốc độ đều cơ bản xuất phát từ sự thiếu ý thức của một bộ phận người điều khiển phương tiện giao thông.
Thực tế cho thấy, dù vẫn có những trường hợp người vi phạm né tránh, chống đối việc kiểm tra, xử lý, nhưng cơ bản người dân đều đồng thuận và đánh giá cao. Anh Triệu Văn Khương, thị trấn Hùng Sơn (huyện Đại Từ), chia sẻ: Chủ trương kiên quyết xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, xe quá khổ, quá tải thật sự đúng đắn, hợp lòng dân... Tôi mong lực lượng CSGT tiếp tục duy trì thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để không còn những vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra.
Thêm một điểm đặc biệt trong đợt cao điểm này là cơ quan chức năng đã áp dụng các giải pháp xử lý từ đầu nguồn, cuối bến, như: Tăng cường tuyên truyền, ký cam kết với nhà hàng, quán ăn để nhắc nhở khách hàng chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; vận động, tuyên truyền các cá nhân, doanh nghiệp, kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm việc bốc xếp, chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xa, không “cơi nới” thùng xe và tự giác tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt...
Nhờ đó, trong 3 tháng trở lại đây, tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường nội thị, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đã cơ bản được xử lý, ý thức của các chủ doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện cũng như đội ngũ lái xe được nâng cao.
Ông Nguyễn Đăng Sửu, sinh sống dọc tuyến ĐT261, phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên), nói: Trước đây, cung đường này bị "cày nát" bởi xe quá khổ quá tải chạy suốt ngày đêm. Từ khi Công an TP. Phổ Yên triển khai cao điểm, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, một số lái xe vẫn lén lút chạy xe vào ban đêm và thông báo cho nhau để tránh né các chốt trực, kiểm soát của cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, anh Hoàng Trung Lâm, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên) đề xuất: Bên cạnh việc xử phạt các lái xe, chủ xe, tôi nghĩ cần có chế tài phát hiện xử lý nghiêm các cơ sở thực hiện cơi nới thành thùng xe tiếp tay cho phương tiện vi phạm; tăng cường giám sát, phát hiện xử lý nghiêm nếu có tình trạng thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ chức năng để xe vi phạm lọt chốt, lọt trạm như thời gian qua.
Thiếu tá Chu Anh Tuấn, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin: Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 3 tháng cao điểm, toàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông , làm chết 6 người, bị thương 27 người. So với thời gian liền kề trước đó, giảm 9 vụ, giảm 4 người chết và giảm 5 người bị thương. Con số này là kết quả của việc lực lượng chức năng quyết liệt thực hiện cao điểm xử lý vi phạm TTATGT.
Để giữ vững thành quả sau cao điểm, thời gian tới, lực lượng CSGT và Công an các địa phương sẽ tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm khép kín tuyến, địa bàn và thời gian 24/24 giờ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị… Đảm bảo sự vào cuộc đồng bộ, không khoan nhượng với bất kỳ trường hợp nào...