Trả lời cử tri Đà Nẵng kiến nghị xử lý nghiêm đối với xe quá khổ, quá tải, xe tự ý thay đổi kết cấu trái quy định

Thứ hai, 03/10/2022 16:21

Ngày 3/10/2022, Bộ GTVT ban hành Văn bản số 10172/BGTVT-KHCN gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp 3 Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022, nội dung như sau: 

“Cử tri kiến nghị, cần có biện pháp quản lý, xử lý nghiêm đối với các chủ phương tiện là xe vận chuyển hàng hóa đã tự ý thay đổi kết cấu xe không theo đúng với tiêu chuẩn, thiết kế hiện trạng ban đầu”.

Ảnh minh họa

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về nội dung phản ánh nêu trên, Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến của cử tri và xin trả lời như sau: 

Về hệ thống pháp luật để xử lý hành vi vi phạm đối với chủ phương tiện là xe vận chuyển hàng hóa đã tự ý thay đổi kết cấu xe không theo đúng với tiêu chuẩn, thiết kế hiện trạng ban đầu đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 55 của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. 

Đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe không theo đúng với tiêu chuẩn, thiết kế hiện trạng ban đầu chế tài xử phạt đã được quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Để tăng tính răn đe với các chủ phương tiện vận chuyển tự ý thay đổi kết cấu, Bộ GTVT đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, đã quy định nâng mức xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (quy định tại điểm d khoản 3 Điều 16 và xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định tại điểm a, điểm e khoản 9 Điều 30). 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã thường xuyên chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam chấn chỉnh, chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm tại các địa phương thực hiện nghiêm việc đăng kiểm an toàn kỹ thuật phương tiện, đặc biệt kiểm tra hạng mục kích thước, kết cấu, hiện trạng và kỹ thuật ban đầu và không cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện có kết cấu không đúng với tiêu chuẩn đồng thời cảnh báo trên hệ thống kiểm định quốc gia để chủ phương tiện không thể kiểm định tại các đơn vị khác nếu chưa khắc phục được các vi phạm nêu trên. 

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát xử lý phương tiện xe chở quá tải, quá khổ, tự ý thay đổi kết cấu xe trái quy định từ nơi bốc xếp hàng hóa, cũng như trên các tuyến quốc lộ. Đồng thời tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác kiểm soát tải trọng xe. Hàng năm Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường triển khai kế hoạch cao điểm kiểm soát tải trọng xe trên phạm vi toàn quốc. 

Về kết quả xử lý vi phạm, năm 2021, các lực lượng Thanh tra chuyên ngành đường bộ đã kiểm tra và phát hiện 9.222 xe vi phạm chở quá tải trọng. Đã xử lý tước 2.783 Giấy phép lái xe; xử phạt nộp kho bạc nhà nước 85,44 tỷ đồng. Đồng thời, trong 06 tháng đầu năm 2022, lực lượng Thanh tra chuyên ngành đường bộ kiểm tra và phát hiện 9.154 xe vi phạm. Đã xử lý tước 1.434 giấy phép lái xe; xử phạt nộp kho bạc nhà nước 49,81 tỷ đồng. Đồng thời, trong đợt thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện đường bộ: trong đợt cao điểm từ ngày 15/6/2022 đến ngày 15/7/2022, các lực lượng chức năng trong ngành đã kiểm tra, phát hiện 4.558 phương tiện vi phạm và xử phạt 30.399.675.000 đồng.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, Bộ GTVT vừa ban hành văn bản số 9218/BGTVT-ATGT ngày 09/09/2022 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở GTVT, Công an tỉnh và chính quyền cấp cơ sở tiếp tục tăng cường, duy trì xử lý nghiêm đối với xe quá khổ, quá tải, xe tự ý thay đổi kết cấu trái quy định; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. 

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ GTVT đối với phản ánh của cử tri Thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.

Nguồn: Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:172666
Lượt truy cập: 176.488.405