Đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Trần Phú - Trần Huỳnh (TP. Bạc Liêu)
thay thế vòng xuyến trước đây đã phát huy tốt tác dụng đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Nguy cơ mất an toàn giao thông
Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu vừa lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại giao lộ Hiệp Thành - Xiêm Cán (TP. Bạc Liêu) nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo ATGT tại vị trí này. Trong những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa tại địa phương, hạ tầng giao thông, các khu dân cư liên tục được phát triển nhanh chóng kéo theo nhu cầu mở mới các điểm đấu nối từ quốc lộ, tỉnh lộ vào đường địa phương, dân sinh. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho việc đi lại giao thương, sinh hoạt của người dân, các vị trí đấu nối này cũng đồng thời kéo theo sự tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do tính chất xung đột các luồng giao thông. Để đảm bảo ATGT tại các điểm đấu nối, Sở Giao thông vận tải (GTVT), Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu và các địa phương đã tiến hành một số giải pháp quan trọng nhằm giải tỏa, đảm bảo tầm nhìn, vuốt nối êm thuận mặt đường, lắp đặt các biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc.
Thế nhưng, dù cơ quan chức năng đã thực hiện giải pháp nhằm đảm bảo ATGT, song tại các khu vực trên vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Thời gian qua không ít vụ va chạm và tai nạn giao thông đã xảy ra tại các vị trí đường giao nhau. Thậm chí có những vụ tai nạn nghiêm trọng gây thương vong về người. Nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông chưa chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Phổ biến nhất là người điều khiển phương tiện từ đường phụ ra đường chính không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường quy định, qua đường không đảm bảo an toàn. Cùng với đó là một số phương tiện đi trên đường chính không giảm tốc độ, không quan sát cẩn thận khi đi qua các giao lộ đông đúc.
Giao lộ là điểm giao nhau giữa các tuyến đường, nơi tầm nhìn bị hạn chế. Để phòng tránh tai nạn giao thông, người tham gia giao thông cần giảm tốc độ và quan sát kỹ để tránh được những va chạm do phương tiện đi không cùng chiều gây ra. Với những điểm giao lộ bị khuất tầm nhìn, hãy đảm bảo tốc độ xe đủ để có thể kịp phản ứng với những tình huống bất ngờ xảy đến. Kết hợp quan sát qua gương chiếu hậu và các phương tiện đi cạnh, điểm mù của gương chiếu hậu để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Quản lý các đường đấu nối
Để tăng cường đảm bảo ATGT tại các điểm đấu nối, Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về đường đấu nối vào đường quốc lộ tại Nghị định 117/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo đó, ngoài 3 loại đường đấu nối vào quốc lộ đã được quy định tại Nghị định 11 bao gồm: Đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị; Đường chuyên dùng; Đường gom, thì Nghị định mới bổ sung thêm đường từ các khu vực, công trình phục vụ quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào quốc lộ phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT; chịu trách nhiệm về việc thực hiện đấu nối bảo đảm giao thông an toàn và khả năng thông hành của tuyến đường.
Trường hợp điểm đấu nối nằm trong khu vực có địa hình khó khăn trong việc xây dựng đường gom do hành lang đường bộ bị chia cắt như núi cao, vực sâu, sông, suối, đường sắt và các chướng ngại vật khác khó khăn trong việc di dời hoặc điểm đấu nối từ các công trình phục vụ an ninh - quốc phòng, công trình trọng điểm quốc gia, công trình quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đấu nối vào quốc lộ, UBND cấp tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Bộ GTVT.
Đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh, đường gom. Khi hình thành hoặc mở rộng địa giới hành chính của đô thị, UBND cấp tỉnh phải sử dụng hệ thống đường địa phương hiện có hoặc xây dựng đường gom dọc theo quốc lộ nhằm giảm thiểu tối đa việc đấu nối trực tiếp vào quốc lộ.
Đối với dự án quốc lộ được xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, nắn chỉnh tuyến hoặc xây dựng tuyến tránh, ngay từ bước lập dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án phải căn cứ vào các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định vị trí và quy mô của nút giao của đường nhánh đấu nối vào quốc lộ.
Căn cứ quyết định phê duyệt điểm đấu nối vào quốc lộ của UBND cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng điểm đấu nối lập và gửi hồ sơ đến cơ quan đường bộ có thẩm quyền xem xét, chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông của điểm đấu nối vào quốc lộ. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng đất để làm đường nhánh đấu nối vào quốc lộ phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai.