Con số này tiếp tục có xu hướng gia tăng đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ để giảm thiểu, hạn chế tối đa vi phạm.
Công an huyện Yên Sơn xử lý đối tượng điều khiển xe mô tô
có hành vi “bốc đầu” trên tuyến QL2C đoạn qua xã Trung Sơn (Yên Sơn)
Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn, không đội mũ bảo hiểm, đi xe dàn hàng ngang, không có gương chiếu hậu... Chị Nguyễn Thu Hương, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cho biết, vào lúc hơn 21 giờ ngày 6/10 vừa qua, khi đang trên đường trở về nhà, chị bắt gặp một tốp thanh niên phóng nhanh, lạng lách, bốc đầu trên đường Trường Chinh, đoạn qua nhà bia tưởng niệm liệt sỹ phường Ỷ La. Đây là hành vi nguy hiểm không chỉ với chính các em mà với cả người đi đường bởi tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Dù đã có rất nhiều trường hợp tương tự đã bị lực lượng CSGT xử lý, tuy nhiên do còn trẻ tuổi với bản tính thích thể hiện nên nhiều em vẫn thực hiện hành vi sai trái.
Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho thanh thiếu niên, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, công an các huyện, thành phố cũng kịp thời xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT theo phản ánh của quần chúng nhân dân. Tiêu biểu như vụ điều khiển xe mô tô có hành vi “bốc đầu”, gắn biển số giả trên tuyến Quốc lộ 2C đoạn qua xã Trung Sơn (Yên Sơn) ngày 7/9; điều khiển xe bằng chân, lạng lách đánh võng trên tuyến Quốc lộ 37 đoạn qua xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) ngày 16/6; điều khiển xe mô tô có hành vi “bốc đầu” trên tuyến Quốc lộ 2C đoạn qua xã Tân Thanh (Sơn Dương) ngày 11-5... Qua quá trình xác minh, xử lý vi phạm, các đối tượng đều là thanh thiếu niên, trong đó một số chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
Nhằm giảm thiểu vi phạm trật tự ATGT và kiềm chế TNGT xảy ra trong thanh thiếu niên, từ lâu, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được xem là biện pháp quan trọng. Tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, hàng năm việc phổ biến kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn đều được lồng ghép tổ chức các buổi ngoại khóa, giờ chào cờ, tiết học giáo dục công dân...
Em Đặng Thị Ngọc Dương, lớp 6G, Trường THCS Tân Yên (Hàm Yên) nói, thông qua các buổi tuyên truyền về ATGT, em đã hiểu văn hóa giao thông chính là ứng xử một cách văn minh khi tham gia giao thông. Đó đơn giản là chấp hành tốt luật lệ giao thông, đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy, nhường đường cho người già, trẻ nhỏ, kịp thời giúp đỡ người bị tai nạn rủi ro... Chỉ khi ý thức của mỗi người tham gia giao thông được nâng cao thì mới có thể giảm số vụ tai nạn.
Bên cạnh sự tích cực vào cuộc của các cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm vi phạm trật tự ATGT ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Theo đó, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ, không giao phương tiện giao thông cho con, em mình khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; gương mẫu và nhắc nhở các em tuân thủ Luật Giao thông đường bộ; hình thành và duy trì thói quen tham gia giao thông an toàn...