Hà Tĩnh tăng cường quản lý mặt bằng cao tốc Bắc - Nam sau chi trả tiền đền bù

Thứ sáu, 14/10/2022 14:53

Sau khi chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp dự án cao tốc Bắc – Nam, các địa phương ở Hà Tĩnh tích cực tuyên truyền người dân chấp hành quy định về giải phóng mặt bằng (GPMB), tránh gây khó khăn cho việc thi công dự kiến tiến hành vào tháng 12/2022.

Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn qua địa bàn huyện Đức Thọ có chiều dài 3,8 km, ảnh hưởng tới 2 xã là Thanh Bình Thịnh và Lâm Trung Thủy. Dự kiến diện tích đất cần thu hồi là 30,8 ha, trong đó đất nông nghiệp 29,21 ha, diện tích còn lại là đất ở và các loại đất khác.

Ngày 21/9 vừa qua, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam huyện Đức Thọ đã hoàn thành việc chi trả tiền đền bù GPMB đợt 1 cho 532 hộ dân ở 2 xã Lâm Trung Thủy và Thanh Bình Thịnh có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng dự án với số tiền 53 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 89,83%.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Nguyễn Anh Đức cho hay: Trong quá trình chi trả tiền đền bù GPMB đất nông nghiệp, huyện đã thông tin tới các hộ dân có đất nằm trong phạm vi ảnh hưởng dự án một số nội dung liên quan tới công tác GPMB, trong đó có việc tuyên truyền người dân chấp hành quy định về GPMB, không tái lấn chiếm mặt bằng, tránh tình trạng nhà thầu gặp khó khăn khi triển khai gói thầu xây lắp.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, khi thực hiện các phần việc chuẩn bị cho triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn, từ lấy ý kiến cộng đồng dân cư, tới kiểm đếm, áp giá bồi thường đất nông nghiệp, quy hoạch địa điểm xây dựng khu tái định cư, đều nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ bà con nhân dân bị ảnh hưởng. Vì thế, huyện tin chắc rằng phần diện tích đất đã chi trả tiền đền bù sẽ không bị tái lấn chiếm.

Tuy nhiên, để chắc chắn, huyện Đức Thọ đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo 2 xã Lâm Trung Thủy và Thanh Bình Thịnh tiếp tục tuyên truyền tới người dân không trồng cây, gieo cấy trên phần đất đã nhận tiền đền bù và cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát diện tích mặt bằng đã nhận tiền đền bù. Xã nào để xảy ra tình trạng mặt bằng bị tái lấn chiếm thì chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách trước lãnh đạo huyện.

Là địa phương cũng đã chi trả được 158,476 tỷ đồng tiền đền bù đợt 1 cho 1.296 hộ dân có đất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, huyện Can Lộc đang đảm bảo khá tốt tiến độ giải ngân kinh phí GPMB với tỷ lệ lên tới 92,14% và dự kiến bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư theo kế hoạch.

Huyện Can Lộc đã chi trả tiền bù GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam đạt tỷ lệ 92,14%

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Trần Mạnh Sơn, cùng với việc tiếp tục triển khai công tác chi trả đợt 2 tiền đền bù đất nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện kiểm đếm, áp giá, công khai phương án bồi thường đất ở, xây dựng khu tái định cư thì huyện cũng tuyên truyền, giải thích và yêu cầu người dân cam kết chấp hành nghiêm quy định về GPMB trên phần đất đã được thu hồi.

Trường hợp hộ dân nào tự ý trồng trọt trên phần đất nông nghiệp đã nhận tiền đền bù và bàn giao cho chính quyền địa phương thì phải tự chịu trách nhiệm, thiệt hại khi nhà thầu tiến hành thi công dự án.

Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đi qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 102,38 km với 3 dự án thành phần gồm các đoạn: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng, do Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (cùng Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 tuyến kết nối dài 12,18 km, gồm: đường nối Ngô Quyền – ĐT.550, đường song hành cao tốc nối ĐT.550 – Hàm Nghi kéo dài và đường Cẩm Quan – Quốc lộ 1.

Căn cứ trên mốc GPMB thực địa mà chủ đầu tư bàn giao, toàn tỉnh kiểm đếm đạt 95%. Nguồn kinh phí GPMB đã được Bộ GTVT bố trí là 1.255,7 tỷ đồng. Tới nay, đã có 5/7 địa phương là Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh và TX Kỳ Anh chi trả tiền đền bù GPMB đất nông nghiệp cho các hộ dân với tổng số tiền 243,88 tỷ đồng.

Cụ thể, huyện Đức Thọ chi trả 53/59 tỷ đồng, huyện Can Lộc chi trả 158,476/343 tỷ đồng, TP Hà Tĩnh chi trả 1,705/13 tỷ đồng, huyện Thạch Hà chi trả 13,4/221,37 tỷ đồng, TX Kỳ Anh chi trả 17,954/71 tỷ đồng.

Sau khi chi trả tiền đền bù GPMB đạt tỷ lệ nhất định, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam các huyện, thị xã sẽ có văn bản đề nghị Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 6 (cùng Bộ GTVT) – chủ đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc qua Hà Tĩnh sớm triển khai việc nhận bàn giao mặt bằng đã chi trả tiền đền bù và có kế hoạch bảo vệ phần diện tích này

Đối với phần diện tích đất đã chi trả tiền đền bù GPMB thì trước khi bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu triển khai việc xây dựng thì các địa phương đang chịu trách nhiệm việc đảm bảo mặt bằng không bị tái lấn chiếm, tránh trường hợp gây cản trở cho việc thi công dự án cao tốc Bắc – Nam dự kiến khởi công trong tháng 12/2022.

Ông Hoàng Chiến Thắng – Ban QLDA Thăng Long (chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi và Hàm Nghi – Vũng Áng) cho hay: Đơn vị đã rà soát phạm vi, quy mô gói thầu xây lắp và trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, Bộ GTVT đang tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

Khi có nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát (dự kiến hoàn thành trước 16/12/2022), với sự có mặt của 3 bên (chủ đầu tư; hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện và nhà thầu xây lắp) thì sẽ tiến hành nhận bàn giao mặt bằng dự án và giao cho nhà thầu để triển khai thi công.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:40279
Lượt truy cập: 176.399.802