Lễ ký kết giao ước thi đua GPMB dự án Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh.
Theo bản giao ước, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chịu trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn UBND thành phố Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh trong công tác thẩm định, trình UBND TP Hồ Chí Minh quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Thành phố Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi thi đua hoàn thành xuất sắc tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo theo kế hoạch đề ra, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây lắp.
Trong trường hợp vượt thẩm quyền, Sở TN-MT phải tổng hợp, đề xuất Trưởng ban xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Sở TN-MT chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các phòng chuyên môn thuộc Sở phối hợp với các sở, ngành liên quan trong công tác xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và các nhiệm vụ khác phục vụ cho dự án đường Vành đai 3.
Trong ký kết, UBND thành phố Thủ Đức và các huyện hoàn thành xuất sắc tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo theo kế hoạch đề ra, phấn đấu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây lắp. Cụ thể, tháng 6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng, tháng 12/2023 sẽ bàn giao 100% mặt bằng.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ ký kết
Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, đường Vành đai 3 rất quan trọng, tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trong thời gian ngắn để hoàn thành dự án là cả hành trình khó khăn; trong đó thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó khăn nhất.
"Chúng ta hãy lấy công việc giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 như là một kiểu mẫu trong thu hồi đất để có mặt bằng triển khai các dự án. Đến nay, việc rà soát hồ sơ, pháp lý đã thực hiện trên dưới 90%, còn 15 hồ sơ vướng do diện tích, giấy tờ nhiều. Tôi đề nghị các địa phương, các Sở ngành liên quan, chúng ta ký giao ước thi đua làm sao đến cuối tháng 6/2023 cơ bản phải có mặt bằng sạch ít nhất là 70%, không phải chờ đến cuối năm 2023 mới giao đất để cuối năm 2025 cơ bản có thể thông xe, đến năm 2026 hoàn thiện”, ông Phan Văn Mãi đề nghị.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dự án Vành đai 3 đi qua TP Hồ Chí Minh dài 45km đã có 1.802/1.901 cọc mốc giải phóng mặt bằng đã được cắm tại 4 địa phương, đạt 95% tổng khối lượng công việc. Dự kiến đến 20/10, công tác cắm cọc sẽ hoàn thành 100% khối lượng.