Trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến quốc lộ và 23 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 1.394 km, nhiều tuyến đường được hình thành từ trước năm 1975. Mặc dù trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trong thời gian qua đã được tỉnh quan tâm cải tạo nhưng vẫn còn nhiều vị trí cua gấp, nhỏ hẹp hình thành các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông.
Nhà thầu thi công xử lý điểm đen tại Km9 đường tỉnh 236
Lộc Bình - Chi Ma huyện Lộc Bình
Trong năm 2022, Sở GTVT triển khai 13 công trình xoá “điểm đen”, điểm mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ và đường tỉnh. Trong đó, có 10 công trình trên Quốc lộ (7 công trình khởi công mới, 3 công trình chuyển tiếp) và 3 công trình trên đường tỉnh khởi công mới.
Về tiến độ triển khai, tính đến giữa tháng 10/2022, có 4/10 công trình xử lý “điểm đen” trên quốc lộ hoàn thành xây lắp, 1 công trình đang thi công và còn 5 công trình trên quốc lộ có vướng mắc về mặt bằng; 3 công trình xử lý điểm đen trên đường tỉnh đang triển khai thi công.
Cụ thể, các công trình còn vướng mắc như: công trình xoá “điểm đen” về an toàn giao thông tại Km9+600 đến Km10 và Km19+800 đến Km20+200 Quốc lộ 4A; tại Km188+200 đến Km189+800 Quốc lộ 279, Km9+700 đến Km10+200 và Km55+700 đến Km56+200 Quốc lộ 1B.
Ông Hoàng Đức Thuận, Phó Giám đốc Ban Quản lý xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông thuộc Sở GTVT (đơn vị được giao chủ đầu tư công trình xoá “điểm đen” trên các tuyến quốc lộ) cho biết: Hầu hết các công trình xoá “điểm đen” là công trình đột xuất, diện tích xây dựng mở rộng để xoá các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông thường là không lớn từ 0,1 đến 1 ha/công trình. Tuy nhiên, do các công trình xoá điểm đen nằm trong diện cần xử lý sớm vì thế việc cập nhật nhu cầu sử dụng đất vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại các huyện chưa được kịp thời. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình.
Công trình xoá “điểm đen” tại Km 9+600 đến Km 10 Quốc lộ 4A đoạn qua địa bàn huyện Văn Lãng là vị trí có khúc cua gấp, quanh co. Việc xử lý xoá “điểm đen” này là rất cấp thiết, do đó công trình đã được Tổng cục Đường bộ bố trí vốn để thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đang chậm do một số vướng mắc.
Ông Hoàng Văn Tuyến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Văn Lãng cho biết: Trong năm 2022, trung tâm thực hiện giải phóng mặt bằng 2 công trình xoá điểm đen trên Quốc lộ 4A với diện tích khoảng 5.000 m2, trong đó, công trình tại Km9+600 đến Km10 vẫn đang còn vướng mắc về thủ tục đất đai. Để tạo mặt bằng thi công, đơn vị đã phối hợp với chủ đầu tư và các phòng chức năng thực hiện song song vừa hoàn thiện thủ tục đất đai vừa vận động người dân nhận tạm ứng kinh phí bàn giao mặt bằng để thi công. Đến nay, tuy công tác giải phóng mặt bằng đang từng bước được tháo gỡ và đã có 6/7 hộ nhận tiền bồi thường nhưng mới giải phóng được 80% diện tích để thực hiện công trình.
Đây chỉ là 1 trong 5 công trình xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông do Sở GTVT thực hiện đang vướng mắc về mặt bằng. Vì thế, để tháo gỡ các vướng mắc, bên cạnh việc các huyện thực hiện cập nhật bổ sung nhu cầu sử dụng đất đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm và hoàn thiện các thủ tục về đất đai theo quy định, UBND các xã cần phối hợp với chủ đầu tư và các huyện tập trung tuyên truyền vận động các hộ dân nhận tiền tạm ứng hỗ trợ bồi thường bàn giao mặt bằng để thi công các công trình.
Thời gian thực hiện các công trình xử lý “điểm đen” trong năm 2022 không còn nhiều, hơn nữa trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ phải xử lý nhiều “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông. Do đó, các huyện và chủ đầu tư cần chủ động trước một bước trong thực hiện hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Có như vậy, việc triển khai các công trình xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông mới đáp ứng được yêu cầu đề ra, góp phần củng cố kết cấu hạ tầng, đảm bảo an toàn giao thông./.