Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng cất hạ cánh (CHC) tại Cảng Hàng không Phú Quốc đạt 18.180 lần chuyến (chiếm 74,3% sản lượng CHC trong cả năm trước dịch COVID-19).
Công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay khu vực sân bay Phú Quốc được thực hiện bởi Đài kiểm soát tại sân bay (TWR) Phú Quốc theo phương thức điều hành bay truyền thống với một phần chức năng của điều hành bay tiếp cận. Việc kiểm soát viên không lưu (KSVKL) các TWR phải đảm nhiệm cả chức năng điều hành bay tiếp cận, điều hành bay tại sân, kiểm soát tàu bay lăn và hiệp đồng thông báo bay với các đơn vị liên quan sẽ không còn phù hợp, bảo đảm an toàn trong điều kiện mật độ bay ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, từ khi sân bay quốc tế Phú Quốc được đưa vào khai thác, Phân khu 3 của Trung tâm Kiểm soát Đường dài (ACC) Hồ Chí Minh phải đảm nhiệm thêm vai trò điều phối, bảo đảm phân cách cho các tàu bay đi/đến sân bay Phú Quốc trong khu vực vùng trời lân cận (đóng vai trò điều phối, kiểm soát tương tự một phần chức năng kiểm soát tiếp cận cho khu vực này).
Căn cứ nhu cầu thực tiễn tại sân bay Phú Quốc, Công ty Quản lý bay miền Nam nhận thấy sự cần thiết phải thiết lập phân khu kiểm soát tiếp cận (APP) Phú Quốc để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nâng cao năng lực và cải thiện dịch vụ điều hành bay.
Công ty Quản lý bay miền Nam đã thống nhất phương án thiết lập phân khu kiểm soát tiếp cận Phú Quốc tại phòng điều hành Trung tâm Kiểm soát Đường dài – Tiếp cận (AACC) Hồ Chí Minh. Mục tiêu của phương án này là chia tách vùng trời Phú Quốc thành hai khu vực: Vùng trời khu vực kiểm soát (CTR) Phú Quốc và vùng trời kiểm soát trung cận (TMA) Phú Quốc.
Khu vực trách nhiệm APP Phú Quốc và phương thức PBN RWY 28
Việc thiết lập APP Phú Quốc sẽ khắc phục được những hạn chế và mang lại những ưu điểm sau đối với việc cung cấp dịch vụ điều hành bay: Bảo vệ hoàn toàn quỹ đạo các phương thức bay PBN (dẫn đường theo tính năng), các mạch bay bằng thiết bị của tàu bay hàng không dân dụng (HKDD) trong khu vực vùng trời CTR Phú Quốc và các quỹ đạo hoạt động bay của tàu bay HKDD kể cả khi được thực hiện dẫn dắt bằng giám sát; Giảm thiểu công tác hiệp đồng, điều hành bay của cơ sở điều hành bay với các cơ quan, đơn vị liên quan; Giảm thiểu đến mức tối đa việc KSVKL phải cung cấp nhiều lần huấn lệnh cho một tàu bay; Giảm thiểu tình trạng nghẽn sóng đối không như hiện nay; Không thay đổi các phương thức điều hành tại TWR Phú Quốc; các phương thức điều hành giữa ACC Hồ Chí Minh với các đơn vị khác có liên quan; Giảm tải khối lượng công việc cho KSVKL ACC Hồ Chí Minh, TWR Phú Quốc và các đơn vị khác có liên quan.
Tận dụng nguồn nhân lực sẵn có để thực hiện việc quản lý, giám sát và duy trì toàn bộ các vị trí trực, không yêu cầu phải tuyển đồng thời một khối lượng lớn nguồn nhân lực; Không phát sinh tổ chức bộ máy quản lý cồng kềnh của phân khu APP mới; Tận dụng được kinh nghiệm điều hành bay theo phương thức giám sát của lực lượng KSVKL APP Tân Sơn Nhất (trong giai đoạn triển khai ban đầu); Tiết kiệm công tác phí phát sinh khi đặt ở nơi khác, giảm bớt chi phí lắp đặt, di chuyển; Phù hợp với lộ trình xây dựng Trung tâm Kiểm soát Không lưu (ATCC) Hồ Chí Minh trong tương lai, là tiền đề để xây dựng dự án cụm tiếp cận trong khu vực.
Dự kiến APP Phú Quốc sẽ được đưa vào khai thác trong quý II năm 2023.