Tạo dựng văn hóa giao thông văn minh nhìn từ đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Thứ hai, 07/11/2022 09:13

Sau 1 năm chính thức đi vào vận hành thương mại, đến nay đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, với lượng hành khách tham gia sử dụng ngày một tăng cao, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã và đang từng bước hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng, góp phần kéo giảm ùn tắc cho Thủ đô.

Nhiều kết quả nổi bật

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), từ 6/11/2021 đến 31/10/2022, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác, vận hành 360 ngày an toàn, vận chuyển được gần 7,3 triệu lượt hành khách. Hiện, trung bình mỗi ngày, tàu Cát Linh - Hà Đông có trên dưới 10.000 người đi vé tháng; lượng khách đi lại thường xuyên là 5.000 - 6.000 người.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho rằng, việc đưa Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã làm thay đổi thói quen của người dân. Tuyến Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào vận hành cũng từng bước thể hiện được tính ưu việt tự nhiên của phương thức vận tải Metrro. Bởi vậy nó đã thu hút được hành khách sử dụng. Đến nay, người dân đã chịu khó đi bộ 1-2km để tiếp cận đến các nhà ga Cát Linh - Hà Đông. Từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại.


Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động
đã góp phần hoàn thiện “bức tranh” giao thông Thủ đô ngày một thông thoáng, văn minh

Ngoài ra, từ Cát Linh - Hà Đông cũng trực tiếp xây dựng được đội quản lý, vận hành cho loại hình vận tải đường sắt đô thị. Đây là lực lượng nòng cốt để tới đây vận hành các tuyến đường sắt đô thị khác như tuyến Nhổn - ga Hà Nội, giảm dần việc sử dụng chuyên gia nước ngoài. Đặc biệt, sẵn sàng hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận hành tuyến Bến Thành - Suối Tiên.

Thực tế, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực lớn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai, đường hướng tâm và đường trục chính đô thị.

Các công trình lớn này từng bước thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định, mạng lưới đường sắt đô thị sẽ đóng vai trò tạo nên “khung xương sống” hoàn chỉnh cho hệ thống giao thông của Thủ đô, tạo cơ hội phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị. Và đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể được xem như dấu mốc đầu tiên cho xu thế phát triển vận tải công cộng hiện đại của Hà Nội.


Đối tượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông
làm phương tiện di chuyển phong phú và đa dạng các độ tuổi

Quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, một mạng lưới đường sắt đô thị hoàn thiện sẽ gắn kết, giúp việc đi lại giữa các khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... cũng như giữa đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh xung quanh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Nói cách khác, đường sắt đô thị đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực và đô thị dọc tuyến.

Linh hoạt để đến gần hơn với người dân

Theo tìm hiểu, quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030 sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị kết nối xuyên tâm và Vành đai. Cát Linh - Hà Đông được xác định đây là dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của Thủ đô, là khởi đầu cho việc triển khai thực hiện quy hoạch đường sắt đô thị đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhận định ở góc độ chuyên gia giao thông, ông Vũ Hồng Trường cho rằng, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hoạt động và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ về số lượng hành khách, về chất lượng phục vụ và văn hóa đi tàu của hành khách.

Giá vé sử dụng tàu đa dạng, phù hợp với nhu cầu người sử dụng

Từ tuyến Cát Linh - Hà Đông, để thành công trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng tàu điện, ông Vũ Hồng Trường rút ra bài học là, cần có cách tiếp cận và giải pháp riêng, không thể áp dụng những phương thức thực hiện trước của bất cứ quốc gia nào.

Cụ thể, phải luôn lắng nghe, nghiên cứu nhu cầu và đặc tính đi lại của hành khách để điều chỉnh thời gian, tần xuất và dịch vụ sao cho phù hợp với thực tế. Tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận với xe buýt và nhà ga đường sắt, nhưng hạn chế tối đa ngân sách của Thành phố.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông kết nối hiệu quả
với các loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô

Cùng đó, phải có chính sách giá vé linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng. Chẳng hạn như, quãng đường dài thì trả tiền nhiều, đi ngắn thì trả tiền ít, vé tháng được kích hoạt trong 30 ngày, kể từ ngày đăng ký và có vé ngày dành cho người dân đi trải nghiệm.

Đồng thời, phải tăng cường kết nối hệ thống xe buýt công cộng và, xây dựng văn hóa tham gia giao thông công cộng ngay từ đầu. Khai thác tối đa tiềm năng thương mại tuyến, tập chung dịch vụ thương mại cho hành khách.

Nguồn: Báo Lao động Thủ đô

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:7718
Lượt truy cập: 176.095.179