Vì vậy, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là các vụ tai nạn dẫn đến chết người, rất cần các giải pháp quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan, ban ngành và địa phương.
Tai nạn giao thông vẫn còn cao
Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong tỉnh vẫn còn ở mức cao, nhất là các vụ tai nạn dẫn đến chết người. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tai nạn giữa xe ô tô và xe máy gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao. Mới đây nhất là vụ tai nạn giữa xe container và xe máy khiến 4 thành viên trong một gia đình tử vong.
Lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm để kéo giảm TNGT từ nay đến cuối năm.
Theo thông tin ban đầu, vào chiều 30/10, các thành viên trong gia đình ông P.V.L. (quê Hậu Giang) đèo nhau trên xe máy chạy đến đoạn đường Mỹ Phước - Tân Vạn, khi đến vòng xoay khu du lịch Thủy Châu, phường Bình Thắng thì bị xe ô tô tông mạnh. Hậu quả là 4 người tử vong. Trước đó không lâu, một vụ TNGT nghiêm trọng khiến một người tử vong trên đường Nguyễn Thị Khắp, thuộc phường Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An. Theo hình ảnh camera an ninh ghi lại, thời điểm xảy ra sự việc nạn nhân chạy xe máy tốc độ khá cao, khi đến đoạn cua, có một xe tải đang dừng bên đường, nạn nhân không kịp xử lý đã ngã xuống đường và bị xe tải chạy ngược chiều tông trúng gây ra hậu quả như trên.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thời gian qua các vụ TNGT nghiêm trọng dẫn đến chết người tăng cao. Cụ thể như báo cáo của Ban ATGT tỉnh cho thấy trong tháng 10/2022, toàn tỉnh xảy ra 43 vụ TNGT đường bộ, làm chết 31 người, bị thương 26 người. So với tháng trước liền kề tăng 12 vụ nhưng số người chết tăng 19 người, hơn 158%. Trước đó, trong báo cáo tình hình giao thông 9 tháng của năm cũng ghi nhận số người chết vì TNGT ở mức cao.
Tăng cường xử phạt, kéo giảm tai nạn
Trong những tháng cuối năm, khi lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng, đặt ra áp lực rất lớn đối với công tác bảo đảm ATGT. Vì vậy, các cơ quan, ban ngành cần các giải pháp quyết liệt hơn nữa, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuần tra và xử phạt các trường hợp vi phạm. Trung tá Trần Phương Toàn, Phó trưởng Công an (CA) TX.Tân Uyên, cho biết nhằm kéo giảm TNGT trên địa bàn, lãnh đạo CA thị xã đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường tuần tra, xử phạt nghiêm các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn. Từ đầu năm đến nay, TX.Tân Uyên là địa phương xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn cao nhất cả tỉnh.
Trong khi đó Thượng tá Đàm Bảo Quân, Phó trưởng CA TP.Dĩ An, cho rằng do lưu lượng phương tiện giao thông qua địa bàn, đặc biệt là vào giờ cao điểm tăng cao nên gây áp lực đến tình hình giao thông ở địa phương, làm gia tăng số vụ TNGT. Trước tình hình đó, ngoài việc tăng cường tuần tra, đứng chốt, lực lượng chức năng cũng đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trên các tuyến đường do đơn vị phụ trách.
Qua trao đổi với PV, lãnh đạo CA một số địa phương cho rằng việc quyết liệt ra quân xử phạt các trường hợp vi phạm sẽ từng bước giúp tình hình giao thông đi vào nề nếp, góp phần kéo giảm TNGT một cách căn cơ. Vừa qua, CA tỉnh cũng đã sơ kết đợt cao điểm 3 tháng ra quân xử lý vi phạm giao thông và đề ra phương hướng trong thời gian tới, trong đó chú trọng tuyên truyền người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chấp hành nghiêm việc không uống rượu bia khi lái xe.
Trong đợt cao điểm, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động 638 nhà hàng và các tụ điểm ăn uống nhắc nhở khách hàng không tự lái xe về sau khi đã uống rượu bia. Lực lượng CSGT cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động 450 doanh nghiệp, gần 6.000 cá nhân, 6 nhà máy, 18 chủ bến bãi chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không “cơi nới” thùng xe; tháo, cắt thùng xe trở về đúng với thiết kế đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã bố trí trên 3.000 tổ công tác, tuần tra khép kín địa bàn, phát hiện, xử lý trên 19.000 trường hợp; ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 55 tỷ đồng; tước trên 5.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 8.000 phương tiện các loại.
Theo nhận định, đợt cao điểm đã tạo chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân, đặc biệt là đối với lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, dịch vụ ăn uống, nhà hàng. Thời gian tới, CA tỉnh phối hợp với các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm trật tự ATGT, nhất là từ nay đến cuối năm 2022.
Nghiêm cấm can thiệp vào việc xử lý người vi phạm
Ngày 2/11, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TU về việc tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, yêu cầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và các văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội và hạ tầng số; lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, học sinh, sinh viên ký cam kết “Đã uống rượu bia - Không lái xe”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định. Đảng viên, CBCCVC, chiến sĩ, lực lượng vũ trang, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương nào vi phạm, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên.
Đối với các trường hợp đảng viên, CBCCVC, lực lượng vũ trang vi phạm, cơ quan công an phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định. Nghiêm cấm đảng viên, CBCCVC, chiến sĩ, người lao động trong các cơ quan, đơn vị can thiệp vào việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Cấm cán bộ, chiến sĩ công an bao che, bảo kê hoặc làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.
|