Trên cơ sở ủng hộ của Chính phủ, Bộ GTVT, Quảng Ninh đang vận hành, khai thác hiệu quả toàn tuyến, trở thành mô hình quản lý mới của ngành GTVT.
Cao tốc Hạ Long - Cầu Bạch Đằng.
Để có được cao tốc kéo dài từ cầu Bạch Đằng đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo Chính phủ và được chấp thuận cho tự đầu tư đường cao tốc thông qua việc thực hiện tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, huy động mọi nguồn lực xã hội. Tháng 9/2018, tỉnh hoàn thành “mảnh ghép đầu tiên” khi đưa cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng vào khai thác.
Cũng trong năm, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đưa vào khai thác với chiều dài 60km, kết nối chuỗi kinh tế, đô thị trung tâm của tỉnh với KKT Vân Đồn và KKT ven biển Quảng Yên, trở thành trục giao thông trọng điểm, đồng bộ, xuyên suốt. Và “mảnh ghép cuối cùng” kéo dài đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái hoàn thành vào tháng 9 vừa qua. Quảng Ninh là địa phương sở hữu trục cao tốc dài nhất Việt Nam, chiếm 1/6 tổng số km đường cao tốc trên toàn quốc.
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT, vấn đề sở hữu đường cao tốc, cũng như quản lý vận hành khai thác, nhất là công tác bảo trì, bảo dưỡng dự án gặp nhiều khó khăn. Bởi thời điểm trước năm 2021, các tuyến cao tốc chưa được quy hoạch nằm trong các tuyến cao tốc quốc gia. Song sau 4 năm vận hành trục cao tốc đầu tiên kéo dài từ cầu Bạch Đằng - Vân Đồn, trục cao tốc đã khai thác rất tốt. Các vấn đề vận hành, bảo trì đều được triển khai linh hoạt, khoa học, phù hợp, bước đầu phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Để có được kết quả này, từ sự chấp thuận của Bộ GTVT, ủy quyền của UBND tỉnh, Sở đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu triển khai hoạt động quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các đoạn tuyến đầu tư bằng vốn ngân sách. Tương tự các đoạn sử dụng nguồn vốn BOT, ủy quyền chủ đầu tư thực hiện. Theo đó, các đơn vị được giao quản lý đã xây dựng kế hoạch cụ thể báo cáo Sở GTVT, lập các tổ công tác, trang bị phương tiện chuyên dụng để tổ chức tuần đường mỗi ngày, thu thập thông tin, phát hiện các vi phạm hành lang an toàn giao thông, loại bỏ các chướng ngại vật trên đường, bảo vệ tài sản, kết cấu hạ tầng... để đảm bảo an toàn và thông suốt trên tuyến cao tốc.
Trong các đợt cao điểm như mưa bão, để hạn chế thấp nhất tác động của thời tiết, tránh những rủi ro, duy trì giao thông thông suốt, các đơn vị quản lý đã tiến hành rà soát, nhận định nguy cơ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn để đánh giá, lập kịch bản giả định các tình huống có thể xảy ra và triển khai các biện pháp khắc phục, xử lý và giải quyết tình huống; thường kỳ tiến hành khơi thông toàn bộ hệ thống cống ngang đường, rãnh dọc, hệ thống thoát nước trên các mái taluy; rà soát các hạng mục cầu, gia cố tứ nón cầu trên tuyến. Quan điểm là ưu tiên hàng đầu bảo vệ tính mạng, an toàn của con người; tập trung các biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế trên hiện trường, đảm bảo giao thông trên tuyến.
Ông Lê Văn Nam, Giám đốc Ban điều hành cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng, cho biết: Trên cao tốc, các phương tiện giao thông phải vận hành trong điều kiện khác với đường thông thường. Xe chạy tốc độ cao và liên tục, vì thế các sự cố kỹ thuật rất dễ xảy ra. Xe gặp sự cố trên đường, nếu không được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, sẽ rất nguy hiểm cho các phương tiện di chuyển phía sau, có thể gây ùn tắc cục bộ và tai nạn liên hoàn. Thêm nữa, trên tuyến có khá nhiều xe chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, nhiều trường hợp bị rơi vãi xuống đường tạo thành những vật cản, gây nguy hiểm cho các xe khác khi lưu thông ở tốc độ cao. Từ khi đưa cao tốc vào khai thác, trên tuyến đã có khá nhiều sự cố như vậy, tuy nhiên đều được đơn vị quản lý phát hiện và xử lý kịp thời. Vì thế, chưa để xảy ra tình huống giao thông nghiêm trọng nào.
Theo đánh giá từ Sở GTVT, hiện hệ thống cao tốc của Quảng Ninh được quản lý, vận hành khoa học và an toàn. Lưu lượng phương tiện tham gia trên cao tốc ngày một tăng, song công tác kiểm soát và xử lý các sự cố phát sinh được kiểm soát tốt. Mô hình thí điểm quản lý và bảo dưỡng hệ thống cao tốc của Quảng Ninh trong thời gian chờ được quy hoạch nằm trong các tuyến cao tốc quốc gia đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển KT-XH và tăng trưởng của tỉnh nói riêng và khu vực nói chung.