Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp có khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả ở các khâu, các đối tác tham gia dự án. Từ khâu tư vấn, thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công đến cung cấp vật tư, vật liệu, giám sát, kiểm tra… đòi hỏi phải hết sức chính xác, khẩn trương, chuyên nghiệp. Dự án có nhiều gói thầu khác nhau, song các gói thầu chính vẫn là gói số 17, 27, 28.
Trong đó, gói thầu số 17, thi công hạng mục cầu, đường dẫn vào cầu. Thời gian thực hiện trong 33 tháng (từ ngày 9/3/2022 đến 7/10/2024). Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620. Ở gói thầu này, tuy khởi công vào ngày 9/3/2022 nhưng đến nay, tiến độ thi công chỉ đạt 25,38%, tương ứng số tiền giải ngân 127,102 tỷ đồng. Gói thầu số 27, thi công phần đường chính, thực hiện trong vòng 900 ngày (bắt đầu ngày 20/6/2022 đến 20/6/2024 hoàn thành).
Đơn vị thực hiện là Liên danh Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung. Gói thầu 27 khởi công ngày 20/6/2022, đến nay nhà thầu mới đạt 12,18%, tương ứng số tiền giải ngân là 55,571 tỷ đồng. Gói thầu số 28, cũng thi công phần đường chính, thực hiện 884 ngày (khởi công 29/6/2022 đến ngày 29/11/2024 hoàn thành). Gói thầu này do Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà trúng thầu.
Đến nay, đã 5 tháng nhưng tiến độ thực hiện chỉ đạt hơn 5%, tương ứng số tiền giải ngân 18,324 tỷ đồng. Như vậy, ở 3 gói thầu chính số 17, 27, 28, tính đến thời điểm hiện nay, gói thầu thi công đạt tiến độ cao nhất cũng chỉ 25,38% khối lượng công việc của gói thầu, thấp nhất chỉ hơn 5%.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc là dự án có tầm quan trọng đặc biệt, đây là đoạn cuối của tuyến Quốc lộ N1 đi qua, kết nối các tỉnh trong khu vực ĐBSCL với nhau. Gói thầu khởi công sớm nhất ngày 9/3/2022, trễ nhất ngày 29/6/2022. Song, đến nay, qua kiểm tra thực tế, các nhà thầu thi công vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do không có nguồn cát san lắp hay chưa tìm được vật liệu cát hạt trung (đảm bảo tiêu chí kỹ thuật của hồ sơ thiết kế được duyệt) để xử lý ở những khu vực có nền đường yếu, từ đó làm chậm tiến độ thực hiện.
Đơn vị quản lý, điều hành dự án báo cáo tiến độ thi công các gói thầu
“Chúng tôi khẳng định, cát phục vụ cho san lắp không thiếu, bởi có đến 4 đơn vị được cấp phép khai thác mỏ để phục vụ công trình này, ngoài Công ty TNHH Xây dựng Tân Hàn Châu, UBND tỉnh đã cấp phép cho 3 đơn vị khác. Vấn đề ở đây là phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị cung cấp cát với nhà thầu thi công trong tất cả các khâu, kể cả khâu thanh toán…” - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Việt Trí khẳng định.
Dự án này có tổng vốn đầu tư trên 2.131 tỷ đồng. Một công trình có tính chất, quy mô, tầm quan trọng như thế nhưng các nhà thầu thi công thực hiện không đúng cam kết đưa ra là không thể chấp nhận được. Xử lý vấn đề này, thời gian qua, với tư cách là đơn vị được UBND tỉnh An Giang giao quản lý, điều hành dự án, Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh đã ban hành Công văn 2594/BQLDA-ĐHDA cảnh cáo nhà thầu thi công gói thầu số 28 là Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà, đã vi phạm hợp đồng về tiến độ thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng việc giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.
Chủ đầu tư đã yêu cầu công ty này phải khẩn trương tập trung nhân sự, đẩy nhanh việc tập kết vật tư, cấu kiện đúc sẵn cho công trình, bố trí thiết bị theo hồ sơ dự thầu để đẩy nhanh tiến độ. Bởi, tính đến thời điểm này, gói thầu số 28, nhà thầu thi công đạt tiến độ thấp nhất trong 3 gói thầu chính của dự án này.
Tại buổi kiểm tra thực tế ở công trường xây dựng 3 gói thầu chính nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã có cuộc họp với các bên liên quan tại UBND TX. Tân Châu, tìm hiểu nguyên nhân chậm tiến độ để từ đó đưa ra giải pháp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện khối lượng công việc còn lại của dự án. Khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, đối với phần cát san lắp, dưới sự chủ trì của Sở Tài nguyên và Môi trường, 4 đơn vị cung cấp cát và các đơn vị thi công 3 gói thầu chính là 17, 27, 28 cần phối hợp nhịp nhàng để xử lý các công việc tồn đọng.
Sau khi cuộc họp được tổ chức, căn cứ biên bản đã ký, chủ đầu tư theo dõi, giám sát, đơn vị nào thực hiện không đúng tiến độ như cam kết đã đưa ra thì xử lý theo quy định. Ở khâu giải phóng mặt bằng, UBND TP. Châu Đốc, TX. Tân Châu đẩy mạnh thực hiện các công việc còn tồn đọng, khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị các sở, ngành, địa phương theo dõi, bám sát thực tế, hỗ trợ tích cực cho đơn vị thi công để tiến độ thi công phải được cải thiện…
“Trước cơn “bão giá” hiện nay, để tạo điều kiện cho các nhà thầu có đủ tiền chi trả tiền vật tư trong quá trình thi công, UBND tỉnh An Giang đồng ý cho các nhà thầu tạm ứng vốn 30% tổng số tiền của từng gói thầu, nhưng nhà thầu phải đáp ứng các điều kiện: Phải có khối lượng thì mới được giải ngân, phải mở tài khoản bảo lãnh thầu tại An Giang” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo.