|
Các đồng chí chủ trì Hội nghị. |
Sáng 16/11, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng…
Tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã quán triệt những nội dung chủ yếu của Nghị quyết.
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị được huy động; nhiều điểm nghẽn đối với phát triển được khơi thông, tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng từng bước được phát huy; đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
|
Hình ảnh tại điểm cầu chính Trụ sở Trung ương Đảng. |
Kinh tế tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004, chiếm 14,5% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt mức 56,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương…
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao. Những kết quả đạt được trong thời gian qua khẳng định Nghị quyết số 39-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá. Hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp chưa cao, tỉ lệ lấp đầy còn thấp. Các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế... Tốc độ đô thị hoá và chất lượng đô thị còn thấp. Các đô thị trung tâm vùng chưa phát huy được vai trò đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng…
Nghị quyết xác định: Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Đổi mới tư duy phát triển, tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; phát triển nhanh, bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng; nâng cao trình độ và thu nhập của người dân trong vùng là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các địa phương trong vùng và cả nước.
Phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phải phù hợp với các chiến lược phát triển quốc gia, nhất là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, tập trung phát triển các ngành kinh tế biển trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả kết cấu hạ tầng hiện có, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, hệ thống đô thị ven biển, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, các trung tâm vùng và vùng động lực.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển vùng và các tiểu vùng. Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên rừng và biển; chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh
quán triệt những nội dung chính của Nghị quyết số 26-NQ/TW.
|
Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hoá của vùng. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo bền vững, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, bãi ngang, hải đảo. Đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước. Mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào, các nước tiểu vùng sông Mê Công. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong vùng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng.
Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử và hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ là vùng phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; là nơi các giá trị văn hoá, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; các tổ chức đảng, hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.
Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; Tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển toàn diện văn hoá - xã hội vùng; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng…
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
thay mặt Ban Cán sự Đảng CP trình bày Chương trình hành động của CP thực hiện Nghị quyết.
|
Tại Hội nghị đã nghe đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đại diện Ban cán sự Đảng Chính phủ trình bày dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết; đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đại diện Đảng đoàn Quốc hội trình bày Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và tham luận của các bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng…
Theo Chương trình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu chỉ đạo; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu kết luận Hội nghị./.