Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiềm chế TNGT dịp cuối năm ở Hà Tĩnh

Thứ hai, 21/11/2022 15:52

Tai nạn giao thông (TNGT) ở Hà Tĩnh đang được kiềm chế, kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào cuối năm, khi nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp luôn tăng cao.

Vụ va chạm liên hoàn giữa 2 xe khách và 1 xe tải trên QL1 đoạn qua
xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) khiến 1 người tử vong vào chiều 19/11

Từ đầu năm đến nay, với sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) ở Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Trong 11 tháng của năm 2022 (tính từ 15/12/2021 tới 14/11/2022), Hà Tĩnh xảy ra 93 vụ TNGT khiến 79 người chết, 39 người bị thương. Với 93 vụ TNGT thì chủ yếu xảy ra ở trên đường bộ (92 vụ), đường sắt chỉ xảy ra 1 vụ, còn đường thủy không xảy ra vụ việc nào.

So với cùng kỳ năm 2021, giảm 5 vụ TNGT (giảm 5,1%), giảm 4 người chết (giảm 4,8%) và giảm 4 người bị thương (giảm 9,3%).

Mặc dù tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đang được kiềm chế, kéo giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) nhưng theo ông Nguyễn Văn Tân, tỷ lệ giảm vẫn chưa cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao, nhất là vào dịp cuối năm, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp luôn tăng cao.

“Những tháng cuối năm và trong dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do được nghỉ dài ngày nên số lượng người dân về quê, đi du lịch, thăm người thân tăng lên. Mặt khác, mỗi dịp tết đến xuân về, nhiều đơn vị, gia đình thường tổ chức ăn uống, liên hoan và sau những cuộc vui ấy, không ít người vẫn lái xe tham gia giao thông khi đã uống rượu bia nên càng dễ dẫn tới các sự cố giao thông” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân nhìn nhận.

Thực tế cũng cho thấy, cứ sau mỗi đợt lễ tết, nhất là dịp nghỉ tết Nguyên đán, số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT gây ra luôn khiến nhiều người phải “giật mình”. TNGT không chỉ gây ra nỗi đau, mất mát với bản thân người gặp nạn mà còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Ngoài những nguyên nhân khách quan như số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh, kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển của xã hội, một số phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật khi lưu thông thì nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ TNGT vẫn chủ yếu xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao.

Các vụ TNGT xảy ra phần lớn do điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định; phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn, chuyển hướng tùy tiện; không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy; không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các phương tiện; thiếu chú ý quan sát; điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe.

Đây là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng đáng tiếc nó vẫn tiếp tục xảy ra, vẫn cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại hậu quả thương tật với không ít nạn nhân khác.

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân thông tin, để bảo đảm trật tự ATGT, đặc biệt kiềm chế, giảm TNGT, góp phần ổn định tình hình, phục vụ tốt mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 4/11/2022 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Công an tỉnh cũng đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT, ATGT dịp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trong thời gian từ 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023.

Các huyện, thị xã, thành phố cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình ATGT trên địa bàn, nhất là với các địa phương vẫn có số vụ TNGT cao, nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự ATGT và đưa ra các biện pháp cụ thể, sát thực tế để kiềm chế TNGT.

Các cấp, ngành, địa phương và lực lượng CSGT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Việc tuyên truyền không chỉ đa dạng hóa về hình thức mà phải đúng đối tượng, nội dung phù hợp với từng lứa tuổi.

Lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt với các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT; duy trì việc thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm quy định nồng độ cồn, chất ma túy...

Đại úy Trần Hoàng Hiệp – Đội trưởng Đội CSGT – Trật tự Công an huyện Thạch Hà cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng thì để kéo giảm TNGT, đòi hỏi các tầng lớp nhân dân khi tham gia giao thông phải nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật về ATGT, như tuân thủ nghiêm các quy định: đã uống rượu, bia thì không lái xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; đi đúng tốc độ, làn đường, phần đường; không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người quy định…

Theo Đại úy Trần Hoàng Hiệp, chỉ khi nào ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông của mỗi người được nâng lên, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa, văn minh sẽ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi được TNGT.

Tin rằng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thì tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh sẽ luôn được giữ vững trong những tháng cuối năm, góp phần thực hiện thắng lợi năm ATGT 2022 có chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” và mục tiêu đề ra là kéo giảm TNGT ít nhất 5% - 7% so với năm 2021 mà tỉnh đã đề ra.

Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:100717
Lượt truy cập: 176.523.611