Nhịp cầu nối bờ vui tại huyện biên giới Nghệ An

Thứ năm, 01/12/2022 15:07

Vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo Nghệ An, Báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Nghệ An phối hợp UBND huyện Quế Phong tổ chức khánh thành công trình “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” tại bản Khủn Na, xã Đồng Văn.

Đây là cầu thứ 2 được khánh thành trong 3 cầu dân sinh thuộc chuỗi chương trình “Cầu nối yêu thương – cùng em tới trường” do Sở GD&ĐT Nghệ An, Báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Nghệ An phối hợp kêu gọi xây dựng trong năm 2022 nhằm chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ trẻ em, người dân khu vực vùng sâu, vùng xa ổn định cuộc sống, sản xuất, học tập và chào mừng Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An lần thứ XVIII, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027; cùng với đó, tiếp nối thành công của công trình “Cầu thanh niên - Cùng em vượt lũ” tại bản Lưu Thắng, xã Chiêu Lưu, (huyện Kỳ Sơn).

Nhịp cầu nối bờ vui tại huyện biên giới Nghệ An

Cầu dân sinh tại bản Khủn Na bắc qua suối Nậm Hinh – là nơi xa xôi nhất của xã Đồng Văn, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Vào mùa mưa lũ, nước suối Nậm Hinh dâng cao, bản Khủn Na bị chia cắt, cô lập nhiều hộ gia đình, và ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục của trường mầm non và tiểu học Đồng Văn. Trong đó, riêng điểm bản Khủn Na, Trường Tiểu học Đồng Văn 2 có 51 em từ lớp 1 đến lớp 5. Cho đến nay, việc xóa điểm lẻ, hoặc dồn một số lớp về trường chính vẫn chưa thể triển khai do cách xa gần 10km.
Trong ảnh: Ban tổ chức và đại biểu, người dân, học sinh tham dự lễ khánh thành.

Tại lễ khánh thành cầu bản Khủn Na, GS,TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ niềm vui với bà con dân bản, phụ huynh, học sinh khi đã có chiếc cầu kiên cố nối hai bờ suối.

“Chương trình “Cầu nối yêu thương – Cùng em đến trường” là ý tưởng nhân văn, sáng tạo xuất phát từ thực thế vùng miền núi Nghệ An có nhiều khe suối cắt qua bản làng. Địa hình chia cắt gây khó khăn trong đi lại, giao thương của người dân cũng như đường tới trường của học sinh. Trong năm 2022, phóng viên báo Tiền Phong, cán bộ Ban Phong trào Tỉnh Đoàn đã khảo sát và chọn 3 địa điểm xây cầu dân sinh rất ý nghĩa và cấp thiết trong thực tế. Về phía ngành, qua kết nối của Ban đại diện báo Tiền Phong tại Nghệ An, phối hợp với Tỉnh Đoàn Nghệ An đã phát huy tinh thần tương thân tương ái trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Với nguồn lực ban đầu chỉ rất nhỏ nhưng được đồng hành của chính quyền địa phương đã lần lượt hoàn thành 2/3 cầu dân sinh. Trong đó cầu tại bản Khủn Na có trị giá hơn 1 tỷ đồng khánh thành hôm nay đã đem lại lợi ích, niềm vui lớn cho bà con. Chiếc cầu ngoài ý nghĩa thực tế về giao thông, còn đặc biệt giúp các cháu học sinh có cầu yêu thương để tiếp sức đến trường. Và rộng hơn nữa, chính là mở con đường bước đến tương lai cho học sinh dân tộc thiểu số vùng cao khó khăn của Nghệ An.

Đây cũng là công trình ý nghĩa góp phần chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An gửi lời cảm ơn đến báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Nghệ An đã phát huy tinh thần xung kích, sẵn sàng có mặt những nơi gian khó hỗ trợ bà con và học sinh trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời mong muốn chương trình không chỉ dừng lại ở 3 cây cầu trong năm 2022 mà còn nối dài và có thêm nhiều cầu nối yêu thương khác đến những bản làng xa xôi trên địa bàn. Ngành sẽ tiếp tục vận động, kết nối thêm nhiều tấm lòng quan tâm, đồng hành cùng chương trình hỗ trợ bà con, học sinh vùng khó", GS,TS Thái Văn Thành chia sẻ.

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cảm ơn Sở GD&ĐT Nghệ An, Báo Tiền Phong, Tỉnh Đoàn Nghệ An đã giúp đỡ người dân địa phương có một chiếc cầu với nhiều ý nghĩa nhân văn. "Những năm qua, học sinh của bản phải lội qua suối để đến trường, người dân băng suối lao động sản xuất, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn. Đặc biệt, những ngày mưa lớn, nhà trường phải thường xuyên cập nhật thông tin và báo phụ huynh cho học sinh nghỉ học, không để trò qua suối nước chảy xiết, nguy hiểm. Lực lượng chức năng của xã phải chốt chặn cấm người dân vượt lũ. Vì vậy, có cầu dân sinh bắc qua suối, là mong mỏi nhiều năm nay của không chỉ bà con Khủn Na, mà còn là của học sinh, giáo viên các nhà trường. Bên cạnh đó, tôi đề nghị UBND xã Đồng Văn, người dân bảo quản, sử dụng thật tốt chiếc cầu, tạo tiền đề xây dựng quê hương đổi thay, giàu đẹp", Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay.

GS.TS Thái Văn Thành trao áo khoác tặng các em học sinh tại lễ khánh thành

Nhiều phần quà ý nghĩa nhân ngày khánh thành "Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường"

Ban tổ chức mong muốn được gắn thêm nhiều biển trên nhiều cây cầu
yêu thương khác nơi miền rẻo cao, lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm vì cộng đồng.

Trước đó, “Cầu nối yêu thương - Cùng em tới trường” tại bản Tổng Chai và Liên Đình (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) đã được khánh thành vào 12/11. Còn cầu dân sinh tại bản Ỏn, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ đang trong quá trình triển khai và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2023.

Nguồn: Báo Tiền phong

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:203463
Lượt truy cập: 176.073.327