Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo thực hiện, nhất là huy động nguồn lực đầu tư. Đến nay, sau 12 năm triển khai thực hiện, diện mạo ngành GTVT tỉnh đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện.
Hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi
phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
Về đường bộ, giai đoạn 2011-2020 đã đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông với nhiều công trình quan trọng hoàn thành, đưa vào sử dụng, điển hình như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 62km với năm nút giao lên xuống); 22km đường Hồ Chí Minh, 21,1km đường Quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì; đường Trường Chinh kết nối Khu công nghiệp Thụy Vân với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC-7, đường Phù Đổng, đường Vũ Thê Lang, đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tỉ lệ cứng hóa đường GTNT của tỉnh tăng nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn (năm 2010 đạt 26,6%, năm 2015 đạt 56,5%, năm 2020 đạt 70,7%, năm 2022 dự kiến đạt tỉ lệ 74%).
Hiện nay, 20 dự án giao thông quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang thực hiện theo quy hoạch như: Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C tỉnh đi tỉnh Yên Bái, dự án đường nối Quốc lộ 2 với đường tỉnh 323, dự án tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến đường tỉnh 320C, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba...; phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC-9, phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cầu Vĩnh Phú qua sông Lô... Về đường sắt, duy trì tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai nhằm nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu. Về đường thủy nội địa, đã được Bộ GTVT quan tâm nạo vét, khơi thông đảm bảo giao thông thuỷ cho các phương tiện có tải trọng đến 200 tấn qua lại trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Đà; các bến thủy nội địa, bến cảng được cải tạo, nâng cấp, phục vụ nhu cầu vận tải hiện nay.
Hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh tương đối lớn với 1.379km đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, 10.903,6km đường GTNT. Hiện nay, quốc lộ vẫn còn khoảng 204,2km đường cấp IV, 39,5km đường cấp V; đường tỉnh vẫn còn 235,1km đường cấp V, 14,7km đường cấp VI; nhiều tuyến đường địa phương quy mô nhỏ, xuống cấp cần được cải tạo, nâng cấp mở rộng; nhiều khu vực đông dân cư, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp cần đầu tư kết nối đồng bộ.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong điều hành phát triển kinh tế- xã hội khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm chủ động thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới (khi Quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt), việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là cần thiết và phù hợp. Do vậy, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 tại kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XIX.
Tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh lần này xem xét việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng: Về hiệu lực, thời kỳ quy hoạch: Tiếp tục thực hiện và kéo dài thời kỳ Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 cho đến khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về đường bộ (hệ thống đường tỉnh): Bổ sung quy hoạch chín tuyến đường tỉnh mới vào Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 để phù hợp với quy hoạch và nhu cầu vận tải cũng như khả năng cân đối nguồn lực đầu tư.
Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để định hướng, thu hút các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh. Nhờ đó, mạng lưới giao thông không ngừng được tăng thêm, kết nối giao thông thuận tiện, đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông liên vùng của tỉnh và hiện nay nhiều công trình giao thông quan trọng khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đang được thực hiện theo quy hoạch.
Những định hướng đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện, hiện đại sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững. Khi các công trình hoàn thành đưa vào khai thác sẽ là điểm nhấn, sức bật quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả khu vực trong những giai đoạn tiếp theo./.