Ban ATGT tỉnh tổ chức tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ
cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa). Ảnh: Minh Phương
Mở đầu kế hoạch tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức chương trình phổ biến các quy định của pháp luật và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho 400 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Tại đây, các em được truyền đạt một số nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường bộ; hậu quả và hệ lụy của TNGT đến đời sống, sức khỏe, học tập của các em; hướng dẫn các biện pháp tham gia giao thông an toàn. Đặc biệt, để giúp học sinh dễ tiếp cận với các quy định pháp luật về giao thông, Ban tổ chức chương trình đã lồng ghép các câu hỏi đố vui, trình chiếu các đoạn video về tình huống nguy hiểm thường gặp khi học sinh điều khiển xe gắn máy lưu thông trên đường. Cách thức tuyên truyền sinh động, nội dung ngắn gọn, súc tích và các hoạt động sát thực tế, phù hợp với lứa tuổi đã giúp các em dễ tiếp thu để có thể áp dụng vào thực tế khi tham gia giao thông.
Nối tiếp chương trình này, từ đầu tháng 11 đến nay, Ban ATGT tỉnh tiếp tục phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh các trường THPT: Phan Bội Châu (TP. Pleiku), Nguyễn Huệ (huyện Đak Đoa) và Lê Quý Đôn (huyện Chư Prông). Ngay sau các chương trình điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành lái xe gắn máy an toàn cho học sinh và tập huấn cho giáo viên.
Cùng với việc tuyên truyền trong lứa tuổi học sinh, lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố cũng phối hợp với các xã trọng điểm về TNGT chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: xây dựng phóng sự về ATGT chiếu tại các buổi tuyên truyền ở thôn, làng; tranh thủ già làng, người có uy tín để cùng tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về ATGT; gọi hỏi, răn đe các thanh-thiếu niên càn quấy, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số về chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông...
Ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Kông Htok (huyện Chư Sê) cho biết: “Việc lồng ghép nội dung tuyên truyền ATGT tại các thôn, làng, đặc biệt là với đối tượng là thanh-thiếu niên là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần đảm bảo trật tự ATGT tại địa phương. Cùng với đó, xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng tiếng địa phương, phát các bản tin ATGT qua hệ thống loa truyền thanh. Nhờ đó, TNGT đã được kéo giảm, an ninh trật tự được giữ vững”.
Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự Công an huyện Phú Thiện tổ chức tuyên truyền
Luật Giao thông đường bộ cho người dân tại các thôn, làng. Ảnh: Minh Phương
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp thanh-thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Phú Thiện) còn phối hợp với hệ thống chính trị địa phương quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kéo giảm TNGT ngay từ cơ sở. Đại úy Trần Văn Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự-thông tin: Ngoài việc phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các chế tài xử lý vi phạm, hệ lụy của TNGT, Đội còn phối hợp với Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ, tuyên truyền về ATGT. Từ đầu năm đến nay, Đội đã phối hợp tổ chức tại các thôn, làng, trường học được 64 buổi, thu hút hơn 11 ngàn lượt người tham gia; tặng 250 mũ bảo hiểm và kết hợp tặng đồ dùng học tập cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-nhấn mạnh: Ngoài việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm, các lực lượng từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ, nhất là trong đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh trường THPT. Hy vọng với việc đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, tình hình TNGT liên quan tới thanh-thiếu niên trên địa bàn tỉnh sẽ được kéo giảm rõ rệt.