Công tác này nhằm triển khai Quyết định số 1601/QĐ-BGTVT ngày 5/12/2022 của Bộ GTVT về việc thí điểm giao Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa VN thực hiện chức năng quản lý luồng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia.
Ảnh minh họa
Theo Quyết định 1601, từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2023. Bộ GTVT thí điểm giao Cảng vụ ĐTNĐ khu vực tiếp nhận, quản lý hồ sơ và theo dõi tài sản kết cấu hạ tầng ĐTNĐ theo phân cấp, ủy quyền của Cục Đường thủy nội địa VN; Quản lý chất lượng bảo trì công trình ĐTNĐ theo ủy quyền của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN. Tiếp nhận, tổ chức quản lý công trình ĐTNĐ được đầu tư xây dựng mới hoặc bảo trì bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định.
Cùng đó, đề xuất xây dựng kế hoạch hoặc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, bảo trì, nâng cấp và xây dựng mới công trình thuộc kết cấu hạ tầng ĐTNĐ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý ĐTNĐ khu vực đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước ĐTNĐ theo ủy quyền của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN và theo quy định.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, trước đó Cục đã gửi văn bản trình Bộ GTVT đề xuất phương án thí điểm giao Cảng vụ ĐTNĐ khu vực thực hiện chức năng quản lý luồng ĐTNĐ quốc gia.
Lý do đề xuất, theo Cục Đường thủy nội địa VN, mặc dù thời gian qua Cục và các cơ quan thuộc Cục đã thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực ĐTNĐ, đạt được những kết quả, chuyển biến tích cực, nhưng công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ, quản lý tài sản hạ tầng ĐTNĐ vẫn còn một số tồn tại và bất cập. Trong đó, tổ chức bộ máy làm công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ chậm đổi mới, có mặt không còn phù hợp với cơ chế hiện hành.
Do vậy đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Chi cục Đường thủy nội địa khu vực và các Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực trực thuộc Cục, hướng tới lựa chọn chỉ một đơn vị thống nhất tham gia quản lý luồng, tuyến đường thủy nội địa và quản lý cảng, bến thủy nội địa. Từ đó đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, hiện tại biên chế và số người hiện có tại các Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực có đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành GTVT đường thủy trên tuyến ĐTNĐ quốc gia. Hiện tại 4 Cảng vụ có 52 Đại diện đặt tại 34 tỉnh, thành phố có tuyến sông trung ương đi qua với trên 400 người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm quản lý kết cấu hạ tầng và ATGT. Trong khi 2 Chi cục Đường thủy nội địa khu vực có 9 Đội Thanh tra - An toàn đặt tại 9 tỉnh và có 101 người.
“Hoạt động quản lý nhà nước trên luồng tuyến và tại cảng, bến thủy trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia đều nhằm mục tiêu đảm bảo trật tự, ATGT đường thủy nội địa, mà hoạt động vận tải thủy nội địa là hoạt động vận tải của phương tiện từ cảng, bến thủy nội địa đến cảng, bến thủy nội địa. Do vậy việc giao quản lý nhà nước về cảng, bến và trên luồng tuyến về cảng vụ đường thủy là phù hợp và sát với thực tế.“, Cục Đường thủy nội địa VN cho hay.
Được biết, theo Quyết định 1601, Bộ GTVT cũng giao cảng vụ được thực hiện thí điểm hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý, bảo trì ĐTNĐ địa phương, ĐTNĐ chuyên dùng theo ủy quyền của Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN.
Tiếp nhận thông báo của chủ đầu tư về việc đưa công trình không thuộc kết cấu hạ tầng ĐTNĐ vào sử dụng; thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xử lý vị trí nguy hiểm trên ĐTNĐ theo quy định.Tổng hợp tình hình hoạt động quản lý, bảo trì hệ thống ĐTNĐ trong phạm vi quản lý. Tham gia quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng ĐTNĐ.
Phối hợp với Chi cục Đường thủy nội địa khu vực tổ chức lập phương án kỹ thuật, dự toán bảo dưỡng thường xuyên ĐTNĐ thuộc phạm vi quản lý, trình Cục Đường thủy nội địa VN phê duyệt.Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng ĐTNĐ.