Quảng Ninh: Những "trái ngọt" từ nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng giao thông

Thứ sáu, 16/12/2022 10:21

Do huy động tốt các nguồn lực xã hội hóa, hiện Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương có hạ tầng giao thông đa dạng nhất miền Bắc.

"Trái ngọt" từ các dự án PPP

Quảng Ninh có địa hình trải dài gần 250km từ Đông Triều đến Móng Cái. Những năm trước đây, giao thông nhiều vùng của địa phương gặp nhiều khó khăn do địa hình cách trở, nhiều sông suối, đồi núi; chỉ có 1 đường huyết mạch chạy dọc tỉnh là Quốc lộ 18A nhỏ hẹp.

Cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã xóa thế độc đạo của Quảng Ninh.

Các tuyến quốc lộ khác như: 18B, 18C, 279 cũng nhỏ, hẹp, xuống cấp và cũng chỉ tạo sự liên kết cục bộ trong từng vùng, chưa có tính liên vùng. Đây là rào cản lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội dù Quảng Ninh là địa phương có nhiềm năng, lợi thế và được ví là "Việt Nam thu nhỏ".

Nhận diện rõ rào cản lớn nhất để phát triển là hạ tầng giao thông, trong thập niên vừa qua, với quan điểm kế thừa và đổi mới cùng nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp, từ một tỉnh có hệ thống giao thông nghèo nàn, Quảng Ninh đã trở thành điển hình trong thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Điểm nhấn là, đến nay Quảng Ninh có 7 dự án hạ tầng giao thông được thực hiện theo hình thức PPP với tổng số vốn trên 43.000 tỷ đồng, như sân bay Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cảng tàu quốc tế Hạ Long và các tuyến đường cao tốc.

Đây đều là các dự án giao thông huyết mạch, hiện đại, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khơi thông kết nối liên kết vùng, rút ngắn về thời gian và khoảng cách, mở không gian phát triển mới, khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực.

Điển hình, cao tốc từ Hải Phòng qua Hạ Long, Vân Đồn và xuyên ra TP Móng Cái với chiều dài 176km, vận tốc 120km/giờ, 4 làn xe, có tổng vốn đầu tư hơn 44 nghìn tỷ đồng (do vốn của tỉnh hơn 15 nghìn tỷ đồng và doanh nghiệp hơn 28 nghìn tỷ đồng) đã mở ra không gian phát triển mới của địa phương.

Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến TP Móng Cái (từ 7 giờ như trước đây xuống còn khoảng 3 giờ như hiện nay), tuyến cao tốc chạy dọc tỉnh Quảng Ninh đã và đang trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam -Trung Quốc", hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Công trình, dự án huy động từ nguồn đầu tư xã hội hóa khác như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai… cũng là một trong những thành tựu vượt bậc của Quảng Ninh trong việc huy động nguồn lực xã hội để đầu tư các dự án giao thông trọng điểm với số tiền đầu tư lên tớn hàng ngàn tỷ đồng.

Cảng tàu Quốc tế Hòn Gai được đầu tư bằng nguồn xã hội hóa

Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Với việc huy động tốt nguồn lực đầu tư xã hội, Quảng Ninh đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, tạo ra động lực, không gian phát triển mới về du lịch, dịch vụ và đô thị và tạo sự liên kết mới giữa nội vùng và liên vùng…

Tạo thêm những “xung lực mới” từ nguồn đầu tư xã hội hóa

Ông Hoàng Quang Hải cho biết: Quan điểm, định hướng phát triển của Quảng Ninh được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là "phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".

Cũng theo vị Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, thì các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức PPP đã giúp Quảng Ninh giảm được áp lực chi cho đầu tư các dự án công trình lớn, có điều kiện dành nguồn lực cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại từng vùng, miền và đến tận từng khu dân cư.

Nhờ vậy, hiện, Quảng Ninh đã sở hữu 6.400km đường giao thông (gồm 176km cao tốc, 7 tuyến Quốc lộ dài 480km, 14 tuyến tỉnh lộ dài 450km và 5.300km tuyến đường cấp huyện, xã, thôn).

Cũng từ việc huy động được nguồn lực xã hội, hiện nay, địa phương này đã dành được nhiều nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các công trình giao thông mang tính động lực tại Khu Kinh tế Vân Đồn, Khu Kinh tế vên biển Quảng Yên với trị giá lên tới hàng ngàn tỷ đồng…

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trên cơ sở bám sát quy hoạch phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh xác định nguồn lực xã hội vẫn sẽ là quan trọng, đột phá để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng.

Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GRDP là 10% bình quân hằng năm trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội rất lớn.

Đơn cử như năm 2020, vốn đầu tư từ ngân sách của tỉnh Quảng Ninh chiếm 36% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ giảm nguồn vốn từ ngân sách nhà nước xuống 19% trước năm 2030. Như vậy, nguồn lực đầu tư sẽ được tăng cường xã hội hóa, tập trung thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách.

Với những thành quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh đang chủ trương tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng giao thông thời gian tới.

Cụ thể, địa phương đang kỳ vọng có thêm 2 tuyến đường cao tốc mới được đầu tư là Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, điểm cuối tại cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh dài khoảng 57km); tuyến cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng, điểm đầu tại cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên - Móng Cái (đoạn qua địa bàn tỉnh dài khoảng 25km)…

Cùng với đó, Quảng Ninh cũng dành nguồn lực để tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã để tạo hệ thống giao thông tổng thể hiện đại và đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:80580
Lượt truy cập: 176.759.842