Sở GTVT TP Cần Thơ: Sẽ tiếp tục lựa chọn nhà đầu tư khai thác mở mới 5-10 tuyến xe buýt

Thứ tư, 21/12/2022 10:30

TP Cần Thơ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và hiện đại hóa hệ thống xe buýt. Từ đó, thu hút nhiều người sử dụng xe buýt khi tham gia giao thông.

Xoay quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Cần Thơ đã có trao đổi với báo chí

Hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của thành phố thời gian qua chuyển biến như thế nào, thưa ông?

Từ tháng 9/2020, Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở GTVT thành phố đã phối hợp với Công ty CP Xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines đưa vào hoạt động 7 tuyến xe buýt mới trên địa bàn thành phố. Chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được nâng cao theo hướng tiện nghi, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại hằng ngày của người dân và sản lượng hành khách trên đà tăng trưởng tốt.

Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch COVID-19 giữa năm 2021, các tuyến xe buýt tạm ngưng hoạt động. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các tuyến xe buýt từng bước quay lại hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Các tuyến xe buýt hầu như phủ khắp các quận, huyện phục vụ, kết nối hành khách các khu vực ngoại thành đến trung tâm TP Cần Thơ và kết nối với các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề tạo mạng lưới giao thông công cộng thông suốt. Lượng khách sử dụng xe buýt ngày càng tăng trưởng; sản lượng hành khách sử dụng xe buýt tăng gần 60% so với trước đây.

Sở GTVT TP Cần Thơ cùng các đơn vị liên quan khảo sát vị trí
xây dựng bãi đỗ xe buýt trên địa bàn huyện Phong Điền.

Từ thực tế này thời gian qua, hoạt động xe buýt trên địa bàn thành phố có những khó khăn gì, thưa ông?

Do ảnh hưởng chung của dịch bệnh COVID-19 trong thời gian đầu khi hoạt động trở lại các tuyến xe buýt còn vắng khách do người dân vẫn còn tâm lý e ngại sử dụng dịch vụ công cộng, tập trung nơi đông người. Ðơn cử như tuyến số 02: sân bay Cần Thơ - thị trấn Phong Ðiền - kéo dài chợ Bảy Ngàn (tỉnh Hậu Giang) và tuyến số 04: sân bay Cần Thơ - bến xe khách Trung tâm - kéo dài thị trấn Mái Dầm (tỉnh Hậu Giang) kéo dài thời gian tạm ngưng hoạt động. Ðến tháng 7 vừa qua, tuyến xe buýt số 02 đã hoạt động trở lại.

Trong năm qua, giá xăng dầu biến động liên tục theo hướng tăng cao, tần suất xe hoạt động có giảm. Cùng đó, thông tin các tuyến xe buýt mở mới hay hoạt động trở lại như lộ trình, tần suất, giá vé… chưa tiếp cận được nhiều đối tượng hành khách.

Với sự phát triển của xã hội đại đa số người dân đều có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân thay vì sử dụng các loại phương tiện công cộng. Hầu hết xe buýt hiện nay phục vụ đối tượng là người lao động, người có thu nhập thấp, số ít là học sinh, sinh viên của các trường học trên địa bàn thành phố…

Ðể tăng sức hút và hiệu quả của loại hình vận tải khách công cộng bằng xe buýt, thành phố đã triển khai các giải pháp thế nào, thưa ông?

Ðể xây dựng thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho người dân thành phố, ngoài việc đầu tư hệ thống xe buýt hiện đại, tiện nghi, việc áp dụng giá vé rẻ phù hợp dịch vụ xe buýt sẽ thu hút, tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Do vậy, khuyến khích nhu cầu đi lại đối với đối tượng là học sinh, sinh viên, đơn vị vận tải áp dụng giá vé ưu đãi đồng giá 5.000 đồng cho tất cả các chặng và suốt tuyến. Các đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật… sẽ được áp dụng giảm giá vé khi tham gia xe buýt....

Sở GTVT thành phố phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền nhằm thu hút đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tham gia dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt thông qua các buổi giao lưu, trải nghiệm thực tế dịch vụ xe buýt. Công tác tuyên truyền đa dạng hình thức thông qua các ấn phẩm tuyên truyền như sổ tay, cẩm nang, tờ rơi… tiếp cận đông đảo người dân trên địa bàn. Thông tin về các tuyến xe buýt còn được Trung tâm Quản lý và Ðiều hành vận tải hành khách công cộng lồng ghép trong các buổi hội nghị, giao lưu… góp phần nâng cao nhận thức, vận động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị chuyển xu hướng tham gia giao thông từ phương tiện cá nhân sang phương tiện xe buýt...

Sở GTVT phối hợp với Công ty CP xe khách Phương Trang - FUTA Bus Lines nâng cao tần suất hoạt động của xe buýt nhằm giảm thời gian chờ xe, phục vụ người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng xe buýt như nhà chờ, điểm dừng đỗ, biển báo…

Như vậy, năm 2023 và thời gian tiếp theo, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP Cần Thơ sẽ phát triển như thế nào, thưa ông?

Trong năm 2023, Sở GTVT thành phố sẽ tiếp tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác mở mới 5-10 tuyến xe buýt. Trong đó, ưu tiên các tuyến xe buýt trục ngang để kết nối các quận, huyện (phường, xã, thị trấn...) tại các đầu mối giao thông, nhằm phục vụ hành khách chuyển tiếp đến trung tâm thành phố.

Ðể đáp ứng cơ sở hạ tầng hiện đại kịp thời phục vụ khai thác các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã phê duyệt và bố trí vốn để thực hiện dự án "Trạm dừng nhà chờ xe buýt: 501 trạm dừng đón trả khách hiện đại", dự kiến khởi công vào tháng 1-2023 và hoàn thành vào quý III-2023. Theo đó, sẽ xây dựng được 70 nhà chờ trên địa bàn quận Ninh Kiều, Bình Thủy và 494 điểm dừng hiện đại.

Trong thời gian tới, Sở GTVT thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Cụ thể là đầu tư xây dựng 10 bãi đỗ xe buýt kết hợp điểm đầu cuối xe buýt: Ba Láng, Cái Cui, Ô Môn, Mỹ Khánh, Nam Cờ Ðỏ, Ðông Thới Lai, Thốt Nốt, thị trấn Vĩnh Thạnh, Kinh B và sân bay Cần Thơ. Ðồng thời, đầu tư xây dựng Trung tâm Ðiều hành giao thông thông minh, trong đó có hệ thống quản lý xe buýt thông minh (BTS) để quản lý vận tải hành khách công cộng theo hướng thông minh…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:127118
Lượt truy cập: 176.714.880